83 hộ dân bị cưỡng chế di dời khỏi chung cư Cột 8, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) xuống cấp chờ sập từ năm 2013. Đến nay hàng chục hộ dân vẫn vật vạ thuê nhà, không biết bao giờ an cư trở lại.

Chung cư Cột 8, phường Hồng Hà bị bỏ hoang từ 2013

Gần 3 năm, 6 nhân khẩu nhà bà Lê Thị Dung tá túc trong một phòng trọ chật chội, nóng bức tại phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, không biết bao giờ có được cuộc sống ổn định. Hộ nhà bà Dung là một trong hàng chục hộ được di dời theo quyết định của UBND thành phố Hạ Long vào tháng 6/2013, trước nguy cơ chung cư Cột 8 (được xây dựng từ những năm 1970) sập đổ vì xuống cấp. Tiền hỗ trợ thuê nhà hơn một năm nay cũng không được nhận theo lời hứa từ UBND thành phố Hạ Long.

Bà Nguyễn Thị Thái đang thuê nhà tại phường Hà Lầm cho biết: Nhà có 5 khẩu chen chúc trong phòng trọ hơn 10m2. Hơn một năm nay không nhận được tiền thuê nhà. Con trai lớn lấy vợ, hai vợ chồng phải dắt nhau về ở nhờ nhà vợ. Có gia đình không có chỗ ở, vợ về nhà bố mẹ đẻ, chồng ra ngoài thuê nhà… Có gia đình vợ chồng liên tục mâu thuẫn vì cuộc sống quá tạm bợ...

Nhà đầu tư tháo chạy

Để đưa hết dân ra khỏi chung cư, UBND thành phố Hạ Long đề ra hàng loạt hỗ trợ: tiền vận chuyển đồ đạc, tiền an cư, hỗ trợ cuộc sống và hứa khẩn trương tìm nhà đầu tư để xây lại chung cư. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, khu chung cư bị bỏ hoang, còn các nhà đầu tư bỏ chạy.

Một người dân cho hay, hầu hết các hộ dân tại khu nhà này đều đồng ý với phương án. Thế nhưng, nhiều chính sách hỗ trợ dân chưa được thực hiện. Ban đầu, giá đất tái định cư được thông báo 3 triệu đồng/m2nhưng thực tế 6 triệu đồng/m2, nhưng cuối cùng không có đất tái định cư. Tiền hỗ trợ di dời, tiền tạm cư, hỗ trợ cuộc sống không có. Trong các cuộc họp, các hộ dân yêu cầu trả lời rõ thời gian xây dựng, giá tiền một mét vuông nhà nếu phát sinh là bao nhiêu,... nhưng không được làm rõ…

Ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Hạ Long, cho biết, để di chuyển người dân khỏi chung cư chờ sập, thành phố đã tìm nhà đầu tư để xây dựng lại khu chung cư này và tái định cư tại chỗ cho toàn bộ hộ dân phải di dời. Sau khi toàn bộ số dân ra khỏi nhà, người dân, chính quyền, doanh nghiệp liên tục có những cuộc họp để thống nhất phương án đầu tư, tái định cư. Nhiều phương án được đưa ra nhưng đến nay hầu hết các nhà đầu tư đều tháo chạy.

Trách nhiệm địa phương

Báo cáo mới đây của UBND thành phố Hạ Long với UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, các nhà đầu tư bỏ cuộc vì không thể giải quyết nổi các khúc mắc của người dân. Lãnh đạo một doanh nghiệp nói, người dân có quá nhiều đòi hỏi mà doanh nghiệp rất khó thực hiện: Đòi cam kết tiến độ dự án, giá nhà tái định cư, phương án đền bù cao hơn giá nhà nước, kiên quyết không cho tháo dỡ nhà nếu chưa được ký hợp đồng thỏa thuận…

Ngày 10/7, UBND thành phố Hạ Long có công văn đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND thành phố Hạ Long làm chủ đầu tư khu nhà chung cư này, với mức hỗ trợ và phương án giá mới. Nếu các phương án mà Thành phố trình UBND tỉnh được chấp nhận, có sự đồng thuận của cư dân thì mới có thể đẩy tiến độ xây dựng khu nhà.

Thành Duy (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.