Thường vào dịp cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng có xu hướng tăng cao. Nếu không tỉnh táo có thể gặp rủi ro
Tư vấn lập lờ
Hầu hết người đi vay chỉ quan tâm đến vấn đề được vay tiền nên không để ý đến các điều khoản hợp đồng với các quy định nghĩa vụ pháp lý ràng buộc về khoản vay. Chỉ khi xảy ra kiện cáo mới vỡ lẽ. Do nắm được tâm lý này của khách hàng, một số công ty tài chính đã lập lờ để “bẫy” người vay.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2015 tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều. Trong đó, các hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu là nhân viên tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Phổ biến nhất là mời chào ký hợp đồng với lãi suất thấp, đưa ra điều kiện có thể thanh lý hợp đồng bất kỳ thời điểm nào và thủ tục thanh lý đơn giản. Tuy nhiên, trong khi thực tế đây đều là những nội dung xảy ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, nhân viên tư vấn không chủ động cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng tham khảo trước khi ký và lưu giữ sau khi ký. Khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng sau đó nhanh chóng đề nghị người tiêu dùng ký và sẽ gửi qua bưu điện sau. Điều đáng chú ý là nội dung mức lãi suất trên hợp đồng khi ký kết để khoảng trống. Chỉ khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký kết, người tiêu dùng mới phát hiện thấy thông tin về mức lãi suất cao bất ngờ, thường từ 6 – 6,5%/tháng, thay vì từ 1 - 2%/tháng như tư vấn ban đầu.
Chính vì không tìm hiểu kỹ hợp đồng nên khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng hay bị thiệt. Trong đó, chủ yếu là bên cho vay né gặp trực tiếp để giải quyết sự việc mà chỉ tiếp qua điện thoại nhằm kéo dài thời gian và làm tăng số tiền phạt mà người tiêu dùng phải nộp. Đó là chưa kể người đi vay còn bị bên cho vay liên tục gọi điện hối thúc và đe dọa trả nợ với lời lẽ giang hồ chợ búa.
Còn người đi vay thường rơi vào thế đã rồi, nên rất khó có thể được bảo vệ quyền lợi vì hợp đồng đã ký kết, hiệu lực thi hành đã được áp dụng.
Tỉnh táo để tránh rủi ro
Nhằm cảnh báo người tiêu dùng trước khi thực hiện các hợp đồng tín dụng tiêu dùng, tránh các phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi quyết định đi vay như cân đối khả năng tài chính, có kế hoạch nợ phù hợp. Nhất là phải phòng trước những trường hợp mất khả năng trả nợ khó lường như đau ốm, mất việc, bệnh tật.
Lựa chọn những công ty uy tín. Hiện nay, có nhiều công ty tài chính cung cấp khoản vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thời gian nhanh gọn. Tuy nhiên, so với các ngân hàng, lãi suất của các công ty tài chính cao hơn rất nhiều.
Khi ký hợp đồng cần yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ các điều khoản chi tiết của hợp đồng để tránh hiểu nhầm gây rắc rối về sau. Lưu ý đến lãi suất vay, các khoản phí, lãi phạt, thời hạn trả nợ và thương thức trả nợ, thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng.
Ngoài ra, sau khi ký hợp đồng, người vay nên xem lại một lần nữa nội dung trong hợp đồng, nếu có sai sót có thể sửa chữa kịp thời. Người tiêu dùng có trách nhiệm yêu cầu và lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Trường hợp xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.