Thang máy của Trung tâm thương mại “bỏ qua” tầng trệt tòa nhà
Sở Xây dựng Hà Nội đồng thời cũng có ý kiến về câu chuyện này. Trong khi đó, phía nhà đầu tư tiếp tục tố cáo chủ đầu tư sai phạm hợp đồng và có nhiều “hành vi không trung thực”.
Ngày 10/12, chủ đầu tư của dự án là CTCP Phát triển thương mại Vinaconex (VCTD) gửi văn bản tới Ủy ban Nhân dân Thành phố để giải trình về các nội dung do phía nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư tư nhân Vina (VPCapital) tố cáo.
Trả lời cho việc bị nhà đầu tư tố cáo đã thi công sai so với hợp đồng, VCTD viện dẫn Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Hà Nội để chứng minh rằng mình đã thi công đúng. Giấy phép này được cấp vào tháng 12/2010, năm tháng sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng với VPCapital vào hồi 7/2010.
Công ty cho biết thêm, đến giữa năm nay - thời điểm bàn giao Trung tâm với nhà đầu tư - Công ty đã nhận được yêu cầu giảm giá và hỗ trợ lãi suất của bên mua với nguyên nhân “hoàn cảnh kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn”. Tuy nhiên, mức giảm giá chưa vừa ý bên mua khiến tranh chấp kéo dài.
Đáp trả lại ý kiến của VCTD, ngày 13/12, VPCapital gửi công văn tới Ủy ban Nhân dân Thành phố tiếp tục khẳng định, VCTD phải chịu trách nhiệm khi thi công sai so với hợp đồng giữa hai bên. Công ty đầu tư này lập luận, phía nhà đầu tư phải có trách nhiệm thi công theo đúng thiết kế đã được hai bên thỏa thuận, chứ không phải chỉ thực hiện theo giấy phép xây dựng. Nếu giấy phép xây dựng sau hợp đồng có sai khác thì phải có sự thông báo và thỏa thuận lại với nhà đầu tư.
“Sau khi ký hợp đồng với chúng tôi, VCTD đã cố ý lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng không đúng so với thiết kế cơ sở và với Hợp đồng đã ký”, VPCapital viết: “Đây là hành vi không trung thực của VCTD”.
VCTD cũng cho biết, cả trước khi ký hợp đồng, Công ty đã có một thiết kế cơ sở được Bộ Xây dựng duyệt và thiết kế này cũng có nhiều điểm rất khác với Hợp đồng.
“Như vậy, VCTD đã đưa vào Hợp đồng ký với chúng tôi những thông tin trái với nội dung của thiết kế cơ sở đã được Bộ Xây dựng thẩm định và qua đó thu tiền của chúng tôi. Đây là hành vi không trung thực nữa của VCTD”, VPCapital viết.
Nói về yêu cầu giảm giá đã gửi VCTD giữa năm nay, VPCapital nói thẳng: hai bên đã nhiều lần trao đổi không biên bản và “chúng tôi hiểu rằng việc dùng từ ‘phạt vi phạm hợp đồng’ sẽ liên quan đến trách nhiệm cá nhân của nhiều người và của chính Công ty VCTD, do đó chúng tôi đồng ý trao đổi với khách hàng (các nhà đầu tư đóng tiền vào VPCapital để mua Trung tâm thương mại - phóng viên) đề nghị dùng từ ‘Giảm giá theo thị trường’ và phía khách hàng cùng đồng ý”.
Tuy nhiên, việc đàm phán kéo dài 5 tháng từ 7/2013 đến nay và “VCTD không có thiện chí”, đưa ra mức đền bù không thể đáp ứng được chi phí, phí tổn của các nhà đầu tư của VPCapital, nhà đầu tư này kết luận.
Cùng thời gian này, ngày 11/12/2013, Sở Xây dựng Hà Nội gửi công văn cho VPCapital hướng dẫn Công ty liên hệ với Bộ Xây dựng để giải đáp các thắc mắc liên quan. Sở cũng đưa ra ý kiến rằng, Trung tâm thương mại Chợ Mơ phải được cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trước khi đưa vào sử dụng, vì dự án này “là công trình cấp đặc biệt”, theo văn bản của Sở gửi VPCapital.
Tranh chấp tại Tổ hợp Trung tâm thương mại Chợ Mơ - một trong những dự án lớn trị giá 1.500 tỷ đồng của TP. Nội trong chuỗi dự án chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại - bùng lên từ giữa năm nay, bắt đầu từ khi nhà đầu tư là VPCapital tố cáo VCTD mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng trong thi công so với hợp đồng giữa hai bên.
Tranh chấp kéo dài khiến cho khu trung tâm trị giá 700 tỷ đồng thuộc tổ hợp này vẫn đang nằm “đắp chiếu” cùng với những hỏng hóc như rơi trần, ẩm mốc.
VCTD cũng cho biết, bên cạnh khối trung tâm thương mại và một vài khu khác trong tổ hợp đã hoàn thành, Khu văn phòng “đã hoàn thiện về cơ bản, nhưng tạm thời chưa đầu tư lắp đặt các hạng mục điều hòa, trần giả, do chưa tìm được khách hàng tại thời điểm bất động sản đang trầm lắng”.