09/09/2013 9:13 AM
Mỗi tháng chúng tôi phải trả bao nhiêu tiền cho phí quản lý, mỗi hộ được bao nhiêu chỗ đỗ xe…” là những câu hỏi được chị Mai Thị Thanh Hoa, một khách hàng dự định mua căn hộ chung cư tại TP.HCM đặt ra cho chủ đầu tư, bên cạnh mối quan tâm về giá cả và tiến độ xây dựng của dự án.

Với 1.000 căn hộ, chủ đầu tư sẽ thu về khoảng 40 tỉ đồng tiền phí, một số tiền không nhỏ.

Những lo lắng, thắc mắc của chị Hoa là không thừa, khi tình trạng người dân tại hàng loạt khu chung cư tố chủ đầu tư cứ thẳng tay tăng phí, trong khi chất lượng dịch vụ lại quá tệ.

Ông Nguyễn Vĩnh Giang, chủ căn hộ tại một chung cư ở quận 5 tính toán, mỗi tháng ông phải đóng hơn 2,5 triệu đồng tiền phí quản lý căn hộ, tiền gửi xe và các khoản phí linh tinh khác. Trong đó, riêng phí quản lý là 774.000 đồng cho căn hộ 90 m2, tiền gửi 2 xe máy 200.000 đồng, 1 ôtô 1,6 triệu đồng.

“Giá đắt nhưng người dân không thể chọn dịch vụ của công ty khác, vì chủ đầu tư đã ký hợp đồng độc quyền với những nhà cung cấp. Nếu không dùng thì đành... nhịn”, ông Giang tỏ ra uất ức.

Hiện nay tại nhiều chung cư, chủ đầu tư thành lập công ty con để quản lý chung cư, thay vì để cho người dân thuê một đơn vị quản lý độc lập (theo quy định) nhằm quản lý số tiền bảo trì, bảo dưỡng căn hộ là 2%/tổng giá trị căn hộ.

Theo tính toán của một số chuyên gia bất động sản, với dự án khoảng 1.000 căn hộ (khá phổ biến ở TP.HCM), trung bình một căn hộ khoảng 2 tỉ đồng, thì người dân phải đóng thêm 40 triệu đồng tiền phí. Như vậy, dự án 1.000 căn hộ, chủ đầu tư sẽ thu về khoảng 40 tỉ đồng, một số tiền không nhỏ.

Đó là chưa kể đến khoản tiền lãi phát sinh. Số tiền này thay vì được chuyển vào tài khoản chung của cư dân chung cư thì lại được chuyển vào tài khoản của Công ty. Từ đây số tiền được sử dụng vào mục đích khác thay vì để bảo trì, bảo dưỡng căn hộ.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “Hiện nay được coi là cơ hội cho người có nhu cầu mua nhà thực sự. Người mua nhà yêu cầu khá đa dạng khi lựa chọn một dự án từ vị trí, giá cả đến tiện ích, diện tích mảng xanh. Tôi cho rằng để tạo được lợi thế, chủ đầu tư ngoài việc phải có chính sách, chứng minh dự án đảm bảo chất lượng, và đáp ứng nhu cầu, còn phải có những hình thức thu hút khác như linh động thời gian thanh toán, cam kết về tiến độ thi công, minh bạch về các loại phí quản lý”.

Phí quản lý chỉ là một phần của câu chuyện dài tập trong những bất cập ở khâu quản lý dịch vụ chung cư. Theo một số chuyên gia quản lý bất động sản, các quy định pháp luật và văn hóa nhà chung cư còn quá mới đối với người Việt Nam. Vì thế, để tìm được tiếng nói chung khi sống ở chung cư không phải là chuyện dễ. Do đó, đòi hỏi phải có sự can thiệp từ cơ quan nhà nước.

Thực tế, Sở Xây dựng TP.HCM đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố dự thảo khung giá dịch vụ chung cư. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu đến nay vẫn chưa thể ban hành, giá quản lý vẫn bị chủ đầu tư chi phối.

Lưu Phúc (Nhịp cầu đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.