“Trách nhiệm số 1 của Bộ GTVT là để người dân hiểu không đúng về BOT. Mình làm đúng mà người ta hiểu sai thì cũng là trách nhiệm của mình; mà mình hiểu sai làm không chuẩn thì lại càng là lỗi của mình”.
Đây là ý kiến của ĐBQH Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) xung quanh câu chuyện xây dựng trạm thu phí BOT được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, địa phương cho phép “đặt nhầm chỗ”, tận thu để “không ai thoát”.
Sự việc ở trạm thu phí Cai Lậy chỉ là giọt nước tràn ly trong bối cảnh hàng loạt các trạm thu phí đang tạo ra quá nhiều bất cập.
ĐBQH Bùi Văn Phương: Để người dân hiểu không đúng về BOT là trách nhiệm của Bộ GTVT
Người dân nghi ngờ là có cơ sở
ĐB Bùi Văn Phương cho biết ông thấy băn khoăn về chuyện mà cử tri, nhân dân quan tâm đến các công trình giao thông BOT không thể hiện rõ tính công khai, minh bạch, tính giám sát chặt chẽ. Cử tri và người dân nghi ngờ có lợi ích nhóm ở đây.
“Tôi cho rằng nghi ngờ của người dân và cử tri là có căn cứ, cơ sở, bởi việc làm lớn như thế mà chỉ có nhà đầu tư và cơ quan quản lý ký với nhau. Thậm chí còn có điều khoản bí mật, bảo mật, trong khi dự án BOT thu tiền của dân mà dân không biết sử dụng con đường này thì đóng bao nhiêu tiền là phù hợp”- ĐB Bùi Văn Phương nói.
Trở lại vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy khi chủ đầu tư cho rằng có xin ý kiến của HĐND tỉnh, ĐB Bùi Văn Phương cho rằng, cách lấy ý kiến của người dân phải như thế nào chứ đến kỳ họp HĐND đưa ra “cho có” thì nói thực khó. Vấn đề phải là chủ trương trước đưa ra HĐND, đại biểu tiếp xúc cử tri. "Tôi không hiểu trạm thu phí Cai Lậy như thế nào, đến lúc HĐND họp mới trình ra (nếu có làm như vậy) thì tôi cho rằng không ổn"- ĐB Bùi Văn Phương nhận định.
“Trạm Cai Lậy có đường tránh 11- 12km, nhà đầu tư đã “tráng men” một tý đường Quốc lộ 1 gọi là nâng cấp mặt đường rồi đặt trạm thu phí ở Quốc lộ 1 … người ta không chịu với cách làm đó. Bởi có gì đó không minh bạch, có những cái đặt dấu hỏi khó lý giải với người dân”- BĐ Phương nhấn mạnh.
Không chỉ riêng trạm thu phí Cai Lậy, ĐB Phương cho rằng, thực ra đây là tình trạng chung của nhiều trạm BOT hiện nay nhưng có một số trạm “quá không ổn nên người ta phản ứng”. Không thể phủ nhận, BOT trong giai đoạn vừa qua có những mặt tích cực nhưng quá trình thực hiện có nhiều điều gây ghi ngờ. Nguyên nhân chính là cơ chế triển khai thực hiện. Bây giờ đường BOT là phải đấu thầu để cạnh tranh chất lượng, giá thành ai tốt hơn, rẻ hơn thì trúng thầu nhưng đa số lại là chỉ định thầu.
“Chỉ định thầu lại chỉ có một chủ đầu tư với một cơ quan đại diện nhà nước – gọi là cơ quan đại diện nhưng lại chỉ có một số người thôi… Vậy hóa ra làm cả một việc lớn lại chỉ tập trung vào một số người, trong khi vai trò giám sát của người dân, tính công khai minh bạch lại không rõ ràng.
Người ta muốn thu phí điện tử để công khai lại không muốn làm. Dự án làm theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu- điều đó buộc các doanh nghiệp phải làm quản lý chặt chẽ để chi phí thấp nhất giành lợi nhuận cao hơn. Nhưng “kiểu cách” như hiện nay là cứ làm, cứ xây dựng thu bằng này chưa đủ, thì thu dài ra (kéo dài thời gian thu); thu mức này chưa đủ thì cho thu phí cao lên … Làm kiểu gì thì lợi ích vẫn tập trung vào tay chủ đầu tư. Làm như thế làm sao mà được?”- ĐB Phương đặt vấn đề.
Không đặt trạm thu phí ở những vị trí trọng yếu
ĐB Phương kiến nghị, các công trình cần phải được đấu thầu một cách công khai minh bạch. Theo đó, về phía nhà nước phải lo con đường chuẩn chỉ cho dân đi bằng tiền thuế của dân. Còn các con đường khác (BOT) do dân lựa chọn, nếu có lợi người ta đi. Như vậy những con đường BOT này phải đúng tinh thần là cung cấp dịch vụ theo quy luật thị trường, chứ không phải đặt trạm BOT ở những vị trí huyết mạch, “độc đạo” – không đi qua thì chẳng còn đường nào đi như hiện nay.
Theo ĐB Phương, nhà nước phải lo cho dân về các đường huyết mạch và song song những cung đường ấy là các tuyến đường BOT do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người dân lựa chọn (muốn đi đường tốt, nhanh phải bỏ tiền). Bây giờ cứ nhập nhèm đường thuộc trách nhiệm nhà nước lo cho dân xong lại gắn tý BOT vào rồi đặt trạm thu phí vào đấy thì làm gì người dân chẳng bất bình (?).
Thiếu sự giám sát nên tổng mức đầu tư của dự án không chính xác, cho nên có chuyện hoặc tăng phí, kéo dài thời gian thu phí… cũng vẫn là đánh vào túi người dân. "Trong khi có những cơ quan nhà nước dường như lại vào hùa với nhà đầu tư để mà giành lợi ích cho mình, hoặc chủ đầu tư và đẩy khó cho người dân. Cơ quan nhà nước nhận thức như thế thì làm gì người dân có sự đồng tình, họ cho rằng có lợi ích nhóm.Vừa rồi Kiểm toán Nhà nước, TTCP không công bố thì liệu rằng những dự án đó có hạ thời gian, mức phí không hay là cứ thế là xong, người dân vẫn cứ chịu?”- ĐB Phương nhấn mạnh.
Ngoài ra, ĐB Phương cũng cho rằng cần lắm vai trò giám sát của người dân, sự công khai minh bạch của nhà đầu tư, trong đó cần áp dụng cách thu phí điện tử.
Trả lời câu hỏi về khoản tiền đã thu được chênh so với giá được điều chỉnh hạ xuống hiện nay, chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy có nên trả lại cho người dân hay không, ĐB Phương cho rằng, nên tính vào tổng mức đã thu để từ đó điều chỉnh lại thời gian thu phí. Còn việc trả lại cho người dân cũng khó vì làm sao biết cụ thể từng cá nhân.
Đối với trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong các dự án này, ĐB Phương cho rằng trách nhiệm số 1 của Bộ GTVT - thay mặt nhà nước ký các dự án trong khi đó các quy định về đầu tư BOT rất rõ. Thế nhưng Bộ đã để lại những bức xúc trong dư luận rất rõ… “Để người dân hiểu không đúng về BOT là trách nhiệm của mình, mình làm đúng mà người ta hiểu sai thì cũng là trách nhiệm của mình; mà mình hiểu sai làm không chuẩn thì lại càng là lỗi của mình”- ĐB Phương nhấn mạnh.
Tháng 6/2017 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về việc thanh tra 6/13 dự án BOT trong giai đoạn 2010-2015 và một loạt các tồn tại đã được chỉ ra. Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT với 7 dự án gồm: Dự án BOT hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phú Gia; Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội); Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình... Theo thanh tra Chính phủ, đến tháng 9-2015, Bộ GTVT đã triển khai 78 dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT trong lĩnh vực giao thông với chiều dài khoảng 2.200km, tổng mức đầu tư khoảng gần 219.000 tỷ đồng (trong đó trên 202.000 tỷ đồng là các dự án BOT).
Kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định trong quá trình xây dựng, Bộ GTVT thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành. Trong hơn 70 dự án BOT và BT, Bộ không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Tuy nhiên, Bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án.
Cũng theo kết luận Thanh tra, hầu hết dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh. Việc này khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác, điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình. Thực trạng trên dẫn đến việc người dân né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất ATGT. Hơn nữa, việc xác định phương án, doanh thu tài chính thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài.
N. Huyền (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.