20/11/2015 8:49 AM
UBND TP HCM đã hủy bỏ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 564 dự án, diện tích 5.736 ha
Ngày 19-11, HĐND TP HCM đã có buổi làm việc với UBND TP về tình hình thực hiện Nghị quyết 16/2012 (công tác lập, thực hiện và quản lý quy hoạch) trên địa bàn.
Ba phương án xử lý
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Huỳnh Văn Thanh - Trưởng Phòng Quản lý sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết đến nay, UBND TP đã hủy bỏ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 564 dự án, diện tích 5.736 ha. Số lượng dự án bị thu hồi, hủy bỏ tăng thêm 28 so với cuối năm 2014. Đồng thời, TP đã điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích để sớm kết thúc 9 dự án. Như vậy, đến nay đã cơ bản xử lý tình trạng dự án chậm triển khai.
Một dự án chậm triển khai đã được UBND TP HCM thu hồi quyết định giao đất, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, có 3 phương án xử lý các dự án chậm triển khai. Đối với các dự án TP ra quyết định chấm dứt văn bản chấp thuận địa điểm nhưng doanh nghiệp muốn tiếp tục đầu tư thì nộp hồ sơ về Sở Xây dựng theo Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010. Đến nay, có 4 doanh nghiệp nộp lại hồ sơ xin tiếp tục đầu tư. Đối với các dự án lớn, đã bồi thường trên 50% thì cho chủ đầu tư phân kỳ thực hiện nhưng với điều kiện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng khép kín ranh dự án theo quy hoạch chứ không được khoét lõm. Sở Xây dựng sẽ thường xuyên giám sát tiến độ dự án để tránh phá vỡ quy hoạch hoặc không hoàn thiện hạ tầng. Ngoài ra, ông Tuấn cho biết có 24 dự án chuyển nhượng một phần diện tích để lấy tiền đầu tư phần còn lại.
Kiểu gì cũng vướng!
Về các quy hoạch chậm thực hiện, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết các hộ dân tại ấp 4 và ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè đang hết sức khốn khổ vì nằm trong quy hoạch trận địa phòng không của Sư đoàn 367 (Bộ Quốc phòng). “Quy hoạch này kéo dài hơn 36 năm, người dân không được bắc điện, kéo nước, đường sá thì ngập... Trong khi đó, Sư đoàn 367 chưa rào, đo đạc hay bồi thường gì cả! Người dân không phản đối quy hoạch, họ chỉ muốn biết khi nào thực hiện, thực hiện trong bao lâu và đề nghị sớm bồi thường để ổn định cuộc sống. Dự án của lực lượng cảnh sát cơ động ở phường Hiệp Thành, quận 12 cũng vậy, người dân tha thiết muốn biết nó có còn triển khai hay không và bao giờ thì triển khai” - ông Lâm nói.
Trung tâm Viện trường y tế tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi cũng là một quy hoạch kéo dài (từ năm 2005) nhưng gây bức xúc cho người dân theo kiểu khác. Quy hoạch này chưa xác định được chủ đầu tư nhưng từ năm 2008, UBND huyện Củ Chi đã ban hành quyết định thu hồi hơn 100 ha đất của 275 hộ dân nên họ phản ứng gay gắt vì cho rằng gây lãng phí trong khi không có đất sản xuất.
Tình trạng người dân trong các khu quy hoạch đã tìm được chủ đầu tư, hình thành các dự án cũng chẳng khá hơn là mấy. Dự án khu đô thị An Phú Hưng, huyện Hóc Môn do Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư, được UBND TP chấp thuận địa điểm và tạm giao đất năm 2004. Tổng diện tích dự án là 745 ha nhưng chủ đầu tư chỉ bồi thường được 0,35%.
Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, sau khi chấm dứt pháp lý dự án, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân nhưng trên thực tế, do chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng không liền thửa, liền khoảnh nên cả người dân lẫn doanh nghiệp đều khó để sử dụng phần đất của mình, chính quyền cũng khó điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, dù là hủy bỏ dự án nhưng quy hoạch không thay đổi nên người dân không dám xây dựng kiên cố hay đầu tư sản xuất lâu dài vì lo nhà nước thực hiện quy hoạch sẽ không được bồi thường. Vì vậy, ông Đông đề nghị lãnh đạo TP cần nghiên cứu thêm về các chính sách đối với người dân sau khi thu hồi dự án “treo” hoặc các quy hoạch chậm thực hiện.
Dự án chưa xây dựng là vậy, còn dự án đã xây dựng cũng gặp vướng mắc. Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP - dẫn chứng dự án khu nhà ở phường Thới An, quận 12 do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư đã bồi thường được 91% diện tích mặt bằng. Chủ đầu tư đã xây dựng chung cư 5 tầng và bán hết nhưng người mua chưa được cấp chủ quyền căn hộ vì hạ tầng toàn khu nhà chưa hoàn chỉnh. “Toàn bộ hệ thống chiếu sáng, khu xử lý nước thải, cấp - thoát nước, công viên cây xanh... nằm ở phần đất chưa bồi thường, đặc biệt là tuyến đường chính vào khu dân cư” - ông Hùng thông tin.
Trả mặt bằng vướng quy hoạch
Liên quan đến quy hoạch treo 36 năm tại ấp 4, ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có văn bản đồng ý tìm 2 mặt bằng khác phục vụ mục đích quốc phòng, trả các khu đất này về cho địa phương quản lý và phát triển kinh tế. Do đó, ông Tín chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đổi mục đích sử dụng của 2 khu đất này. “Riêng các khu đất để hoán đổi liên quan đến bí mật quốc phòng, chiến lược quân sự nên các sở - ngành và huyện Nhà Bè chắc chắn không làm được. UBND TP sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề này” - ông Tín nói.
Minh Khanh (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.