Tròn 4 năm TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm (BĐXN); đã có 4 dự án được chính quyền cấp phép đầu tư. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy dự án nào… động đậy. Trái lại, chỉ thấy có đối tác… “tháo chạy” mất dạng. Vì sao?

Năm 2010, toà cao ốc Thảo Điền (quận Bình Thạnh, TPHCM) mới thí nghiệm sử dụng BĐXN mini đầu tiên, với quy mô khoảng 100 xe. Ảnh: Hoàng Hưng

Đối tác - chủ đầu tư... “tháo chạy”!

Dự án BĐXN tại khu vực sân vận động Hoa Lư do Cty TNHH Tập đoàn Đông Dương (viết tắt Cty Đông Dương) làm chủ đầu tư, được Sở KHĐT chấp thuận từ tháng 4.2010 và được UBND TPHCM, rồi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT từ tháng 5.2011. Theo đó, tỉ lệ vốn đầu tư dự án gồm: Cty Đông Dương 70%, Cty CP đầu tư xây dựng và cấp thoát nước (Waseco) 18% và Cty đầu tư tài chính nhà nước (viết tắt Cty ĐTTCNN) 12%.

Tuy nhiên, ngày 24.2.2011, Waseco đã chính thức ra văn bản tuyên bố... “tháo chạy” khỏi dự án BĐXN Hoa Lư, với lý do Cty “gặp nhiều khó khăn về tài chính”. Nối gót Waseco, chỉ 2 tháng sau (26.4.2011), đến lượt Cty ĐTTCNN cũng... bỏ chạy khỏi dự án, với lý do “tình hình kinh tế chung hiện tại đang gặp nhiều khó khăn”. Sự “tháo chạy” của 2 đối tác trên đã đẩy chủ đầu tư Cty Đông Dương vào thế khó triển khai dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc – Tổng GĐ Cty Đông Dương: Sở dĩ các ngân hàng từ chối tín dụng là vì lãi suất vay dự kiến cho dự án (lập tháng 10.2010) là 15%, đến nay không còn phù hợp cho dự án bất động sản (do ngân hàng phân loại dự án BĐXN là dự án bất động sản). Các chính sách ưu đãi đã không còn được áp dụng nữa. Cụ thể: Dự án không được miễn tiền thuê đất, không được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay, chủ đầu tư không được quyết định lệ phí giữ xe... Chính những tồn tại trên đã làm cho hiệu quả đầu tư của dự án BĐXN Hoa Lư bị ảnh hưởng, thời gian thu hồi vốn quá lâu (50 năm), dẫn đến không đối tác nào muốn hợp tác với Cty Đông Dương trong dự án Hoa Lư.

Vì vậy, Cty đã kiến nghị UBND TPHCM “chấm dứt” dự án, mà sẽ “không có khiếu nại gì”. Tương tự, dự án BĐXN công viên Tao Đàn của Cty CP đầu tư công trình ngầm đô thị (IDICO) dù đã được Sở Xây dựng đốc thúc, nhưng tới nay, Idico vẫn chưa trình xin ý kiến Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở, chưa tính toán xong phương án tài chính xác định hiệu quả đầu tư. Dự án này cũng có nguy cơ chủ đầu tư... “tháo chạy”.

Ỳ ạch hai dự án còn lại

Kỳ vọng cuối cùng của TPHCM về BĐXN, có lẽ, chỉ còn trông vào 2 dự án Lê Văn Tám và Trống Đồng. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho khởi công xây dựng 2 dự án này trong thời gian qua, lại... ỳ ạch, trì trệ không kém. Với dự án BĐXN tại công viên Lê Văn Tám (72.000m2, vốn 100 triệu USD, quy mô 2.000 xe máy, 1.250 ôtô, 28 xe bus), theo chủ đầu tư là Cty CP đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS): Chỉ riêng thủ tục “thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC)”, phải tới 3 lần IUS trình Cục PCCC – Bộ Công an, rồi 3 lần Cục PCCC trả lời, hướng dẫn qua lại, mới xong “thiết kế PCCC”.

Tiếp theo, IUS phải thực hiện hàng loạt công việc phát sinh như: “Thỏa thuận kết nối với nhà ga metro Lê Văn Tám” , “thỏa thuận kết nối giao thông”, “thiết kế cơ sở”, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, “hợp đồng BOT” v.v... Dự kiến IUS sẽ khởi công dự án vào ngày 30.6.2013, nhưng có ý kiến cho rằng, vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh kinh tế quá nhiều khó khăn như hiện nay.

Trong lúc đó, với dự án BĐXN tại sân khấu Trống Đồng (54.500m2, vốn đầu tư 880 tỉ đồng, quy mô 560 ôtô), do Cty Đông Dương làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của Cty Đông Dương, đến nay, Sở TNMT chưa có văn bản xác định thời điểm giao đất để Sở Tài chính xác định nghĩa vụ tài chính; dẫn đến Cty Đông Dương không biết thực hiện nghĩa vụ tài chính (giá thuê đất) ra sao?... Ông Bùi Xuân Cường – Phó GĐ Sở GTVT TPHCM – cho biết: “Thời gian qua, Sở GTVT đã theo dõi, thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư BĐXN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án BĐXN rất chậm”.

Theo Sở GTVT, nguyên nhân chậm là do “chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chưa có nhiều kinh nghiệm về thiết kế PCCC, nên phải chỉnh sửa nhiều lần, rất tốn thời gian. Kế đó là những khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ tài chính xác định giá thuê đất... Vì vậy, đến nay vẫn chưa có dự án BĐXN nào được thực hiện đầu tư xây dựng”. Dư luận hết sức mong mỏi các cơ quan có thẩm quyền như Sở TNMT, Sở Tài chính... phải khẩn trương tạo điều kiện, giúp các chủ đầu tư hoàn tất thủ tục để sớm khởi công 2 dự án BĐXN còn lại ở TPHCM. Trong khi đó, không còn cách nào khác, Sở GTVT đã chính thức có văn bản đề nghị UBND TPHCM ra “tối hậu thư” cho 2 dự án Hoa Lư và Tao Đàn, cho phép các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án đầu tư đến ngày 30.6.2013. Nếu quá thời hạn trên, các chủ đầu tư vẫn... bó tay, thì UBND TPHCM sẽ quyết định chấm dứt dự án.

Cao Nguyễn Hoàng Hưng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.