Siêu dự án treo gần 25 năm Khu đô thị Thanh Đa
Đơn cử như Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Năm 2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, chủ đầu tư chuyển đổi, một tập đoàn tư nhân được giao lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.
Đến năm 2015, đồ án quy hoạch 1/2.000 của tập đoàn này được chính thức phê duyệt với quy mô dự án là 450ha, dân số 45.000 người. Tuy nhiên, sau đó đối tác nước ngoài liên doanh với tập đoàn xin rút lui, từ đó đến nay, dự án không có gì thay đổi. Do dính “treo” hơn 20 năm, khu Bình Quới - Thanh Đa được ví như một “nông thôn” thu nhỏ giữa lòng TPHCM.
Chỉ cách trung tâm quận 1 chưa đến 10km, nhưng nơi đây chẳng khác gì một vùng quê nghèo nàn, nhà cửa lụp xụp. Cách đó không xa, dự án Ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh đã được phê duyệt vào tháng 3.2002 với diện tích khoảng 41ha. Đến nay đã hơn 14 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu cũng bị treo theo dự án.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết, mới đây, qua rà soát 1.283 dự án về tình trạng sử dụng đất, xác định 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ. Trên cơ sở rà soát, Sở TN-MT và các quận - huyện sẽ tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý các dự án chậm tiến độ.
Dự kiến, sau khi thu hồi dự án, UBND các quận - huyện sẽ niêm yết công khai thông tin dự án thu hồi hoặc dự án được gia hạn để người dân giám sát, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật.
UBND TPHCM cũng đã ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung các dự án không nằm trong quy hoạch sẽ cắt giảm. Dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép cũng sẽ bị thu hồi.
Còn theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, lãnh đạo TP vừa có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, để tạo quỹ đất thực hiện các dự án BT, sắp tới TPHCM sẽ thu hồi những dự án ì ạch, đem đấu giá để tạo nguồn lực phát triển.