Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham khảo sản phẩm tại hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển", do UBND TP tổ chức ngày 6-12 - Ảnh: Tự Trung
Bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM là cơ khí, điện tử - CNTT, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cho định hướng phát triển trong tương lai, khi nguồn lực phát triển công nghiệp ngày càng có giới hạn.
Đặt vấn đề đầy trăn trở với các đại biểu tại hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển", ông Nguyễn Thành Phong cho rằng làm sao phát huy và khơi dậy được hết tiềm năng của thành phố khi thành phố gánh trọng trách là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bốn ngành cơ khí, điện tử - CNTT, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm hiện giữ vai trò đóng góp vô cùng quan trọng trong GDP của thành phố, chiếm 9,8% GDP thành phố, có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 9,22%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế thành phố (8,3%/năm).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm, trong đó chỉ số sản xuất của 4 ngành ước tăng 8,56%/năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Phong, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành công nghiệp thành phố vẫn còn một số hạn chế vẫn chưa khắc phục được.
Đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng cũng như về giá thuê đất. Thành phố hiện đang thiếu quỹ đất thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài thuê.
Giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố còn cao so với các khu chế xuất - khu công nghiệp ở các khu vực lân cận, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và có xu hướng chuyển đầu tư ra khu vực tỉnh, thành lân cận.
Thu hút đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Các chính sách hỗ trợ của thành phố cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế, quy định pháp luật về đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chưa được giải quyết căn cơ.
Chính vì vậy, theo ông Phong, ưu tiên tới đây của thành phố là sẽ xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo một cách quyết liệt hơn.
"Thành phố cần lập hội đồng phát triển doanh nghiệp ở từng lĩnh vực để đến năm 2025 thành phố sẽ có được các tập đoàn kinh tế mạnh, trong đó việc chọn lựa các doanh nghiệp đủ lớn, mạnh trong từng lĩnh vực để tiếp cận được ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ được chú trọng", ông Phong nhấn mạnh.
Anh Lương Việt Quốc, giám đốc Công ty Real-time Robotics, đang giới thiệu sản phẩm máy bay không người lái do người Việt sản xuất với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tối ưu nên công nghiệp lõi của thành phố chưa phát triển như tiềm năng đang có.
Sự liên kết giữa các cơ quan quản lý ngành dọc đối với lĩnh vực công nghiệp chưa thông suốt nên còn thiếu những thông tin, dữ liệu liên quan đến từng lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp mà thành phố quan tâm…