Hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải cho lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát dự kiến sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028. Mỗi dự án đề xuất mức kinh phí khoảng 8.000 tỷ.

Hình minh họa.

HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương triển khai 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.

Dự án thứ nhất sẽ được thực hiện tại khu vực Tây Sài Gòn sử dụng vốn ODA và vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tổng mức đầu tư cho dự án là 350 triệu USD tương đương 8.120 tỷ đồng, trong đó, ADB sẽ tài trợ vốn vay ưu đãi hơn 6.960 tỷ đồng, ngân sách thành phố sẽ trích vốn đối ứng hơn 1.160 tỷ đồng.

Dự án thứ 2 tại Tham Lương - Bến Cát với tổng vốn đầu tư 8.168 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi cũng được ngân hàng ADB tài trợ khoảng 6.678 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 1.370 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của ngân sách TP.HCM, vốn viện trợ không hoàn lại 116 tỷ đồng.

Kênh Tham Lương - Bến Cát có chiều dài hơn 20 km, là một phần của hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, rạch Nước Lên, chảy qua địa bàn các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, 12, Gò Vấp... Thời gian qua, khu vực được coi là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân địa phương.

Các dự án mới được kỳ vọng sẽ cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước cho lưu vực, cải thiện cảnh quan môi trường.

Hiện TP.HCM còn 15 tuyến đường chính thường xuyên ngập nước do mưa, gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A, Phan Anh, Hồ Học Lãm.

Bên cạnh đó, có 4 tuyến đường thường xuyên ngập nước do triều cường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50.

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất 100.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm về chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong giai đoạn 2021-2025. Về phân bổ nguồn kinh phí, Sở đề xuất ngân sách thành phố hỗ trợ 31.400 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn khác sẽ huy động từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.