Kẹt xe đang là vấn nạn của TP.HCM. NGỌC DƯƠNG
Trên quan điểm vận tải hành khách công công bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030), đề án của Sở GTVT nêu mục tiêu: Đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố đảm nhận 15 - 20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5 - 26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3 - 36,8%. Sở GTVT nhận định khi thị phần đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách tăng theo từng giai đoạn 2020 - 2025 - 2030, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm tương ứng.
"Nếu đề án được thông qua, TP sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt dộng xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10...) vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đến hệ thống vận tải công cộng đạt dưới 500 m" - tờ trình nêu rõ.
Theo tờ trình, Sở GTVT đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện. Các nhóm giải pháp trong đề án được đề xuất theo nguyên tắc "kéo - đẩy", đảm bảo hai nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất.
\
Theo lộ trình đến 2030, TP.HCM sẽ cấm xe máy lưu thông vào khu vực trung tâm. KHẢ HÒA
Sở GTVT thừa nhận khi triển khai các giải pháp kiểm soát xe gắn máy theo lộ trình đến 2030, hiện tượng ùn tắc cục bộ sẽ xuất hiện tại các điểm trông giữ xe khu vực bên ngoài vành đai hạn chế, điểm dừng, nhà chờ, nhà ga... do lượng khách sử dụng vận tải hành khách công cộng gia tăng. Đồng thời, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sẽ không có sự đồng thuận, chia sẻ với các giải pháp của đề án.
"Tuy nhiên hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân là cần thiết. Đề án khi được triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững" - đại diện Sở GTVT khẳng định và nhấn mạnh việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến kinh phí thực hiện đề án: Nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, dự kiến khoảng 52.489 tỉ đồng. Cụ thể: - Giai đoạn 2018 - 2020: 9.783 tỉ đồng - Giai đoạn 2021 - 2025: 18.896 tỉ đồng - Giai đoạn 2026 - 2030: 23.810 tỉ đồng Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA (đầu tư phương tiện xe buýt, tổ chức xe đạp, xe gắn máy điện công cộng, vận tải hành khách đường thủy...), ngân sách (nghiên cứu cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch) dự kiến khoảng 322.921 tỉ đồng. |