Khu Đông bắt đầu chuyển động
Nữ môi giới của một văn phòng giao dịch bất động sản tại quận 9, TP.HCM cho biết từ đầu tháng 6/2012 đến nay, văn phòng này đã trung gian môi giới được 3 nền đất tại dự án Điền Phước Thành. Nếu so với năm 2009, con số này là khá nhỏ nhoi. Nhưng tình hình dường như ổn thỏa hơn nếu nhìn lại đầu năm 2012, con số giao dịch như thế có khi cả quý mới đạt được.
Vào những ngày này, một khí sắc là lạ đang len vào vùng đất quận 9. Vẫn là những dự án cũ, nếu có thêm chỉ là dự án Hoàng Anh Minh Tuấn đang tiến hành san lấp. Tuy nhiên không khí khách hỏi và có giao dịch thực sự đã bắt đầu chớm nở, khác hẳn với sự lắng đọng gần như hoàn toàn trước đây.
Vào thời gian quý I/2012, hầu hết nhân viên các văn phòng môi giới ở khu Đông TP.HCM đều lắc đầu ngán ngẩm khi được hỏi về hiện trạng và triển vọng giao dịch. Có đến 2/3 số văn phòng đã phải cửa đóng then cài so với thời điểm sốt nóng những năm trước. Song từ lúc trần lãi suất huy động được Ngân hàng Nhà nước một lần nữa kéo hạ về mức 9%, dường như không khí chung đã chớm chuyển biến. Vào tuần cuối của tháng 6/2012, có đến ít nhất hai phần ba số văn phòng môi giới địa ốc trở nên bận rộn hơn. Đơn giản là họ bắt đầu có việc làm, và khách hàng cũng đã tiến vào những giao dịch thật sự chứ không chỉ là thăm dò.
Đặc trưng của quận 9 là một hệ thống giao thông chằng chịt được kết cấu từ quy hoạch. Thực ra, lợi thế giao thông của khu vực này đã được hình thành từ mấy năm qua, nhờ vào yếu tố giao thông cũ và cả tuyến Hầm Thủ Thiêm mới được khánh thành vào tháng 11/2011. Thế nhưng vào thời điểm cuối năm ngoái, bất chấp mọi cố gắng quảng cáo và khuyến mãi, đất đai tại khu vực này vẫn hầu như bất động. Phân khúc duy nhất có giao dịch chỉ là nhà đất thổ cư. Những diện tích từ 60 đến 100 m2 với giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở xuống khá dễ được mua bán. Điều đó cũng tạo nên một nét khác biệt của địa bàn quận 9 so với một số khu vực khác trong bối cảnh thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh đóng băng.
Song từ đầu tháng 6/2012 đến nay, một thay đổi về xu hướng có thể ghi nhận là tâm lý chọn mua nhà đất thổ cư đã chuyển dần sang tìm mua đất dự án. Trong số khách hàng nhắm đến đất dự án, tỷ lệ người mua để ở vẫn chiếm phần lớn, nhưng bên cạnh đó lại xuất hiện một tỷ lệ khiêm tốn khách hàng mua để đầu tư. Rất có thể, những dự đoán về triển vọng tiếp tục hạ lãi suất cũng như khả năng nền kinh tế đang lập đáy đã khiến cho giới đầu tư trở nên bạo dạn hơn. Một số người đã không tiếp tục chờ đợi thêm mà quyết định chọn cho mình một lối đi tuy mạo hiểm nhưng vẫn có thể sinh lợi hơn so với chuyện gửi tiết kiệm ngân hàng.
Gia Hòa, Nam Long, Kiến Á vẫn là những dự án thu hút khách hàng nhiều hơn cả ở quận 9. Trong bối cảnh thị trường bất động sản bị nhiễu loạn bởi nhiều cấp độ dự án và thủ tục pháp lý cũng quá khác nhau, việc khách hàng chọn lựa cho mình những nơi có hạ tầng cơ sở tương đối hoàn thiện cùng thủ tục pháp lý ổn định là một cách làm khôn ngoan. Cũng bởi thế, không ngạc nhiên là hàng loạt dự án nằm xa trung tâm quận 9 như dự án của Sở Văn hóa thông tin, Đông Dương, Phát triển nhà quận 3... vẫn chưa thể thu hút được giao dịch.
Khu Nam = thị trường chứng khoán?
Tình hình khu Nam ở TP.HCM lại gần như trái ngược với khu Đông. Ngoài một vài dự án đất nền giá tương đối thấp như Phú Xuân ở Nhà Bè, Hải Yến ở Bình Chánh, hầu hết các dự án còn lại đều chưa thể cải thiện được gương mặt thanh khoản. Khác hẳn với quận 9, số khách thăm dò ở khu Nam vẫn khá ít, chưa nói đến những giao dịch thực chất.
Cũng nên nhắc lại rằng cho đến gần đây, khu Nam vừa phải trải qua một cú sốc khi người đứng đầu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố sẽ giảm giá 50% căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình ở quận 7. Nếu ý định này trở thành hiện thực, tình hình tiêu thụ các dự án căn hộ tại quận 7 sẽ trở nên vô vọng với những chủ đầu tư không chịu giảm giá bán. Không những thế, không khí giảm giá sẽ còn lan xuống khu vực Nhà Bè và sang cả Bình Chánh đối với phân khúc căn hộ hạng trung có giá khoảng 12-14 triệu đồng/m2, đồng thời có thể tác động không mấy tích cực đến phân khúc đất nền vốn đang nằm bất động.
Trong khi các dự án phía Nam giao dịch vẫn èo uột (ảnh minh họa)
Một thực trạng nghịch lý về thanh khoản đang tạo nên sự cách biệt lớn giữa khu Đông với khu Nam. Nhưng điều đáng lo ngại hơn đối với khu Nam là sự khác biệt ấy đang có triển vọng nới rộng khoảng cách trong thời gian tới. Mặc dù chưa có cuộc khảo sát bỏ túi nào được các công ty tư vấn bất động sản tiến hành, nhưng những dấu hiệu bộc phát trong tháng 6 này đang khiến cho người ta hình dung ra hình ảnh cái cán cân bị lệch hẳn về một bên.
Nhưng dù gì đi nữa, dự báo của một số chuyên gia về triển vọng cải thiện thanh khoản của thị trường bất động sản phía Nam sau khi lãi suất giảm cũng đang bắt đầu có tính xác nghiệm.
Trong một dự báo mới nhất, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã cho rằng nếu sớm giải quyết được vấn đề nợ xấu ngân hàng, thị trường bất động sản sẽ tăng được thanh khoản. Vốn không phải vỡ bong bóng hay sụp đổ mà chỉ giảm giá do thắt chặt tiền tệ và tổng cầu, thị trường này sẽ phục hồi nhanh. Vì đã xuống đáy chữ U nên muộn nhất đến tháng 11/2012, thị trường bất động sản sẽ gượng dậy, để cuối tháng 4 năm 2013 trở đi, giá thị trường và giao dịch sẽ phục hồi.
Cũng trong dự báo trên, ông Lê Xuân Nghĩa lại có một cái nhìn mới mẻ đối với thị trường chứng khoán. Theo ông, từ nay trở đi, chứng khoán có tăng hay không còn tùy thuộc vào các thông tin vi mô. Từ nay đến cuối năm 2012, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ tăng, giảm, điều chỉnh liên tục, xu thế tăng không rõ ràng do có khả năng vào đầu tháng 7/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ hẳn trần lãi suất.