15/06/2018 7:45 AM
Dù TP.HCM và đã lãnh đạo các quận, huyện chủ động việc giải quyết hồ sơ diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định, nhưng sau hơn 6 tháng kể từ khi Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định về phân lô tách thửa tại TP.HCM có hiệu lực, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến hàng ngàn hồ sơ bị tắc.

Một lô đất nông nghiệp đang được san lấp để phân lô bán nền tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại nhiều quận, huyện của TP.HCM, kể từ sau khi Quyết định 60 có hiệu lực, do có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, khiến cho hàng ngàn hồ sơ nhà đất bị trễ hẹn.

Tại huyện Củ Chi, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, tính từ đầu năm đến nay, huyện chuyển lên 3.190 hồ sơ thuộc thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố, nhưng chỉ có 32 hồ sơ đúng hạn, chiếm tỷ lệ 1%. Còn lại 3.158 hồ sơ trễ hạn, chiếm 99%, trong đó có khoảng 78% hồ sơ trễ hẹn 11 - 20 ngày.

Không chỉ Củ Chi, mà tình trạng trên cũng diễn ra tại các địa phương khác như quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12…

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhà Bè, việc chuyển mục đích sử dụng đất liên quan đến kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Về vấn đề này, hiện nay, huyện thực hiện rất tốt đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý. Tuy nhiên, đối với cá nhân thì rất khó, vì địa phương chưa tính đến từng thửa đất được. Hiện nay, huyện Nhà Bè đang vướng vấn đề này, do đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn để các quận, huyện yên tâm đăng ký kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho cá nhân.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn, nếu căn cứ vào Luật Đất đai, việc không cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất đối với các khu vực quy hoạch là khu dân cư xây dựng mới là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, nếu cho chuyển thì lại phá vỡ quy hoạch của toàn địa bàn. Vấn đề này cũng cần có hướng dẫn từ Sở Tài nguyên và Môi trường.

“Hiện nay, trong nhiều trường hợp mà huyện Nhà Bè thu hồi đất của dân, có tình trạng trên một giấy chứng nhận có nhiều thửa đất, nhưng chính quyền chỉ thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận, mà không thu hồi từng thửa đất. Cái này cũng cần phải có hướng dẫn của cơ quan cấp trên, vì những giấy chứng nhận nói trên là tồn tại từ các luật cũ”, ông Nguyễn cho biết.

Còn theo ông Thái Bỉnh Nghĩa, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn, liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng đất, hiện nay, theo quy định phải căn cứ vào quy hoạch để xem xét cho chuyển mục đích hay không.

“Theo Luật Đất đai, chỉ có đất ở đô thị và đất ở nông thôn, nhưng tại Hóc Môn, tại các đồ án quy hoạch 1/2.000 lại có đất hỗn hợp, đất khu dân cư xây dựng mới, đất xây dựng thấp tầng, đất du lịch sinh thái… Vì vậy, có căn cứ vào đây để cho chuyển mục đích hay không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề

Tương tự, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh cho biết, theo Quyết định 60, việc tách thửa đối với đất nông nghiệp chỉ được giải quyết đối với đất quy hoạch để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều khu vực thực tế đang là đất nông nghiệp, nhưng đã được quy hoạch là đất dân cư xây mới hoặc đất hỗn hợp… Do đó, người dân có đất nông nghiệp trong những quy hoạch này không được giải quyết tách thửa.

“Việc tách thửa không làm thay đổi bản chất quy hoạch, do đó nếu người dân có nhu cầu thì cần xem xét giải quyết cho dân”, ông Hùng kiến nghị.

Về vướng mắc trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, các loại đất ở mà quận, huyện nêu trên, thì bản chất vẫn là đất ở, nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Theo ông Thắng, Luật Đất đai chỉ có đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác, trong khi quy hoạch xây dựng có các loại đất như hỗn hợp, xây dựng mới…

“Quy hoạch xây dựng không khớp với quy hoạch đất đai. Quyết định 60 đã giải quyết đúng như tinh thần quy hoạch đất đai, nhưng lại lệch với quy hoạch xây dựng, nên xảy ra bất cập. Chỉ khi nào hai quy hoạch này tương ứng với nhau thì mới giải quyết được”, ông Thắng nói.

Từ những khó khăn, vướng mắc của quận, huyện, ông Thắng đề nghị, các địa phương tập hợp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở kiến nghị UBND TP.HCM tìm hướng giải quyết.

“Quyết định 60 đã ban hành 6 tháng nay nhưng không có hồ sơ được giải quyết thì chứng tỏ là quyết định này chưa thực sự đi vào cuộc sống”, ông Thắng nhận xét.

Châu Kỳ (Báo Đầu Tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.