Các địa điểm bán đất di động này lúc nào cũng có khách hàng
Tăng giá khắp nơi
Theo số liệu của Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện trên địa bàn TPHCM, hơn một tháng qua, hồ sơ đăng ký cập nhật biến động liên tục. Đơn cử, trong 3 tháng đầu năm 2018, Quận 2 có 2.704 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng, mua bán, Quận 9 có gần 7.000 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng. Tương tự, Quận 12 có 5.358 hồ sơ; huyện Hóc Môn có 3.357 hồ sơ; huyện Bình Chánh có 6.174 hồ sơ; đặc biệt huyện Củ Chi hồ sơ cập nhật biến động chiếm số lượng lớn nhất với 13.866 hồ sơ…
Hiện tượng “sốt” đất nền nhộn nhịp nhất hiện nay tập trung ở khu Đông TPHCM, nơi này đang trở thành tâm điểm về sự tăng giá của thị trường, nhân viên môi giới tụ tập rất đông, luôn sôi động với băng rôn, bảng quảng cáo. Dọc các tuyến đường: Nguyễn Xiển, Lò Lu, Nguyễn Duy Trinh (Quận 9), giá đất rao bán tăng khoảng 50% so với thời điểm cách đây vài tháng. Một nhân viên môi giới trên đường Trường Lưu, chào mời: “Hiện khu vực này tùy theo dự án, hướng, chiều rộng của đường mà có giá từ 27 - 34 triệu đồng/m2. Tháng 3, có khách mua lô đất nền tại đường Trường Lưu giá 21 triệu đồng/m2, giờ đã lên 27 triệu đồng/m2. Anh mua đi tháng sau giá đất chắc chắn sẽ còn lên nữa”.
“Sàn” bán đất di động ở vùng ven TPHCM. Ảnh: Đình Du
Còn khu vực phường Phú Hữu thuộc quận này, cạnh các dự án nhà ở và hạ tầng xã hội được các sàn bất động sản rao bán 35 triệu đồng/m2. Như lô đất 60m2 mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh có giá 2,5 tỷ đồng, cam kết có sổ đỏ cho khách trong vòng hai tháng. Riêng khu “tam giác vàng” vòng xoay Phú Hữu, giá đất nền lên đến 39 triệu đồng/m2. Rất nhiều chủ đất mặt tiền nơi đây rao từ 41 – 43 triệu đồng/m2.
Cách đó không xa, tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, nhân viên môi giới và người dân có đất gần chợ Đầu Mối mang biển quảng cáo, bàn ghế ra hai bên đường mời chào khách. Anh Tuấn, nhân viên của công ty BĐS P. cho biết: “Những ngày qua, các nền đất có diện tích 4x16m và 5x17m hút người mua, chúng tôi tung ra bao nhiêu nền là bán hết sạch, giá giao động từ 30-32 triệu đồng/m2”. Không những đất nền giá bình dân, ngay cả đất nền của biệt thự cũng bán được”.
Khu vực xa xôi hơn tại huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng đang rầm rộ mua bán đất nền với giá 18 - 22 triệu đồng/m2. Đất nền trong hẻm cũng có giá lên tới 12 triệu đồng/m2. Riêng các đường lớn tiếp giáp nội đô có giá 25 - 30 triệu đồng/m2. Tại huyện Cần Giờ, tại các đường nhỏ có mức giá 8 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường có hạ tầng, giao thông tốt, giá từ 15 - 18 triệu đồng/m2.
Nhiều rủi ro
Khoảng giữa 2017, đất nền các quận, huyện vùng ven TPHCM bỗng dưng tăng giá đột ngột, khu vực Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức…lên tới 22 triệu/m2. Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5/2017, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM chỉ rõ cơn “sốt đất ảo” có dấu hiệu “cò” thổi giá. Lúc đó, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu công an vào cuộc làm rõ, xử lý các “đầu nậu”, “cò đất” tung tin đồn thất thiệt gây nhiễu loạn, đẩy giá đất, gây bất ổn tình hình an ninh kinh tế, xã hội…thì cơn “sốt” đất mới hạ nhiệt.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng: Cơn “sốt” đất nền tràn lan lần này xảy ra sau vụ cháy chung cư Carina. Giá đất nền tăng đem lại cơ hội đầu tư nhưng cũng không ít rủi ro, hệ lụy cho thị trường, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng. Các nhà đầu tư và chủ đầu tư hãy cảnh giác trước việc thị trường bị đóng băng nếu cơn sốt đất là do “sốt ảo”.
Ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận định, sau vụ cháy chung cư Carina, thị trường đất nền tăng giá, người mua đổ xô đi “săn”, sang nhượng kiếm lời là đúng. Tuy nhiên, thị trường đất nền thực chất là do giới đầu cơ lợi dụng vụ cháy đẩy giá lên cao nhằm mục đích kiếm lời từ các sản phẩm đã gom trước đó. Người mua phải hết sức tỉnh táo, nếu không rất dễ bị mắc bẫy của “cò”, chịu thiệt thòi. |