Sáng 8-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Huyện ủy Nhà Bè về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn. Ông đã chỉ đạo nhiều vấn đề đang gây bức xúc cho người dân.
Làm đường cao hơn nhà phải “hài hòa”
Tại buổi làm việc, Bí thư Thăng bất ngờ yêu cầu ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT giải thích về hiện tượng đường cao hơn nhà dân và đường thấp hơn nhà dân xảy ra trên địa bàn TP.HCM đang gây bức xúc cho người dân.
Theo ông Cường, đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) và đường Bạch Đằng nối từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Phạm Văn Đồng (quận Tân Bình) nâng cấp cao hơn nhà dân. Việc nâng đường Kinh Dương Vương cao hơn nhà dân là dựa trên cơ sở tính mức triều cao nhất là 1,68 m. Từ đó mép vỉa hè được nâng lên 1,7 m. “Thực tế cốt cao độ trên trục Kinh Dương Vương rất thấp, chỉ từ 1 m trở xuống. Do đó, khi nâng đường lên thì xảy ra hiện tượng mà báo chí phản ánh” - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, chủ tịch UBND TP đã đi kiểm tra và họp để đưa ra phương án giải quyết nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân. “Quan điểm xử lý của Sở GTVT là sẽ phải hài hòa giữa việc hạ độ cao cốt nền kết hợp với việc kiểm soát triều cường” - ông Cường nói.
Lý giải dự án nhà cao hơn đường 1,6 m tại đường Bạch Đằng (quận Tân Bình), ông Cường cho biết là do chậm giải phóng mặt bằng dẫn tới dự án cải tạo đường chưa thực hiện được. Theo ông Cường, dự án này dự tính khởi công năm 2008 và năm 2012 hoàn thành nhưng rất lâu sau mới được khởi công. Ngay từ năm 2008, Khu Quản lý giao thông số 1 đã thông tin về độ cao cốt nền cho UBND quận Tân Bình. Còn việc cung cấp thông tin cho người dân như thế nào là việc của quận.
Ông Cường cũng thông tin thêm, Sở GTVT đã đi kiểm tra và đưa ra phương án làm vỉa hè trước. Một số nhà dân đang xây dựng cũng được khuyến cáo để kịp thời hạ cốt nền. Với những nhà đã làm rồi thì sẽ có những bậc thang kết nối lên nhà dân hoặc mỗi đoạn 5-7 hộ sẽ có đường đi xuống - ông Cường nói.
Sau khi nghe, Bí thư Thăng yêu cầu Sở GTVT phải đôn đốc việc khắc phục, công khai thông tin cho người dân, báo chí biết.
Nhiều nhà trên đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM) phải bắc cầu thang lên xuống. Ảnh: HOÀNG GIANG
Kiến nghị tách thửa đất ở
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, kiến nghị với bí thư Thành ủy cho phép người dân xã Hiệp Phước được chuyển đổi mục đích và tách thửa đất ở.
Theo ông Lưu, năm 2013, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch đồ án quy hoạch chung khu đô thị Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, diện tích 1.354 ha), nằm trong tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước. Vì vậy diện tích này không được chuyển mục đích sang đất ở và tách thửa theo quy định. “Mong các ngành chức năng xác định ranh các khu vực dân cư hiện hữu nằm trong 1.354 ha thuộc quy hoạch khu đô thị cảng để làm cơ sở giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và tách thửa, phục vụ nhu cầu về chỗ ở của người dân” - ông Lưu đề nghị.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc TN&MT, cho biết trong tháng 6 sẽ khoanh khu dân cư hiện hữu tại xã Hiệp Phước để giải quyết quyền lợi cho người dân.
Về kiến nghị cơ chế, chính sách giúp huyện Nhà Bè thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật ba tuyến đường theo trục Đông-Tây (đường kho B, kho C và đường Vĩnh Phước Cây Khô), Bí thư Thăng chỉ đạo các dự án có nguồn vốn rồi thì huyện và các đơn vị phối hợp, tập trung làm.