Sáng nay 12-12, Tập đoàn Trung Nam - đơn vị đang thực hiện Dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng - đã đề xuất UBND TPHCM cho bổ sung xây dựng hai cây cầu giao thông tại cống ngăn triều Mương Chuối và cống Cây Khô phục vụ việc đi lại của người dân.
Cống ngăn triều Mương Chuối đang được thi công - Ảnh: Văn Nam
Báo cáo với UBND thành phố về tiến độ dự án, đại diện Tập đoàn Trung Nam cho biết hiện các hạng mục chính của dự án đang được gấp rút thi công, 6 cống ngăn triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định đã hoàn thành tiến độ 6-20%; hạng mục đê bao ven sông 7,8 km cũng đang hoàn thành được 17%. Sau 4 tháng triển khai, đến nay tổng vốn Trung Nam đã bỏ ra gần 1.500 tỉ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4-2018, rút ngắn 2 tháng so với dự kiến ban đầu.
Theo đề xuất của Trung Nam với lãnh đạo UBND thành phố, doanh nghiệp này muốn bổ sung thêm hạng mục xây dựng 2 cây cầu, một tại khu vực cống ngăn triều Mương Chuối với số vốn 155 tỉ đồng và một tại khu vực cống Cây Khô với số vốn 267 tỉ đồng để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân khu vực Nhà Bè.
Nếu được thành phố chấp thuận, nhà đầu tư sẽ triển khai xây dựng cầu đồng thời với xây dựng cống kiểm soát triều ngay trong thời điểm này. Nguồn vốn xây cầu sẽ do Trung Nam ứng trước để đầu tư đồng bộ với cống kiểm soát triều theo hình thức BT đổi đất 100%.
Phát biểu tại buổi họp sáng nay, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND thành phố cho rằng do tính chất quan trọng của dự án chống ngập do triều này nên các sở ngành sẽ nghiên cứu đề xuất của Trung Nam trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Ông Khoa cho biết thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thuê một nhà tư vấn giám sát độc lập nước ngoài để giám sát chất lượng, tiến độ dự án chống ngập này bởi đây là dự án lớn, giúp giảm ngập do triều cho lưu vực 570 km2 khu vực nội thành và có sự giám sát của hàng chục triệu dân thành phố.
Những hạng mục lớn của dự án gồm 6 cống ngăn triều lớn, gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định với quy mô bề rộng cống từ 40 đến 160 mét; một trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/giây; một trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24 m3/giây và một trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18 m3/giây.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ xây đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến Sông Kinh - giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 7,8 km, và 25 cống nhỏ có khẩu độ 1-10 mét từ sông Vàm Thuật đến Mương Chuối.
Địa điểm xây dựng các công trình trên nằm ở các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 100 héc ta. Dự án phải giải tỏa hơn 300 hộ dân với hơn 1.500 người phải di dời.
Di dời nhà ven kênh Đôi bằng hình thức PPP
Cũng trong sáng nay, UBND thành phố cũng họp với các sở ngành, quận huyện về hình thức, tiến độ triển khi dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện điều kiện sống cho các hộ dân trên và ven kênh Đôi tại quận 8 với số lượng các hộ cần di dời là 5.055 hộ với khoảng 26.000 dân.
Theo đó, chính quyền thành phố muốn kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án di dời nhà ven kênh Đôi này bằng hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) theo nguyên tắc: thành phố sẽ cải tạo sông, còn phần di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh kêu gọi nhà đầu tư bỏ kinh phí thực hiện và được khai thác quỹ đất trống sau giải tỏa tại khu vực dự án theo quy hoạch chung của thành phố.
Hiện đã có một số nhà đầu tư trong nước muốn tham gia thực hiện dự án này và theo lộ trình dự kiến đến năm 2018 bắt đầu giải tỏa, di dời.
Trên phạm vi toàn thành phố, hiện có khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch được chính quyền thành phố lên kế hoạch di dời, cải thiện điều kiện sống cho người dân trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Văn Nam (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.