Mới đây, UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" với các biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng.
Theo đề án, trong thời gian tới TP.HCM sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá đất ven đường, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.
Thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới sẽ giúp TP.HCM thu về khoản tiền lớn để đầu tư hạ tầng.
Người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.
Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
Thành phố đã theo đuổi nhiều năm
Chia sẻ với VTC News về Đề án trên của TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP khẳng định bà rất ủng hộ chủ trương này và cho rằng nếu TP làm đúng, có lợi cho dân, công khai, minh bạch thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
Phải làm đúng, có lợi do dân, công khai, minh bạch thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm
Bà cũng cho biết, về việc này TP đã theo đuổi nhiều năm nhưng chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu do quy định pháp luật thời điểm trước đây chưa đồng bộ, mặt khác đây là phương án mới nên người dân cũng chưa tin tưởng, đồng tình do thiếu quy hoạch chi tiết, cụ thể.
Do những vướng mắc đó, sau này khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, TP chỉ giải tỏa diện tích đất đủ để làm đường nhưng việc chỉnh trang đô thị hai bên lại không như mong muốn. "TP mình có nhiều con đường rất đẹp, ví dụ như đường Võ Văn Kiệt hay như đường Phạm Văn Đồng... Khi triển khai các dự án này mình chỉ giải tỏa cái phần cần làm đường thôi, cho nên nhà và các công trình hai bên phải nói rằng rất mất thẩm mỹ, tạo ra những căn nhà siêu mỏng, siêu méo vì đất người ta còn nhiêu đó thì họ làm nhiêu đó thôi", bà nêu ví dụ.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Về phương án của TP trong thời gian tới sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá đất ven đường, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, điều này sẽ tạo ra sự công bằng hơn.
Theo bà, nếu theo cách làm cũ thì những hộ ở phía trong lại được ra mặt tiền và hưởng lợi từ dự án đem lại, nhưng họ không có đóng góp gì vào ngân sách Nhà nước. Trong khi đó những người ở mặt tiền bị giải tỏa thì chịu rất nhiều thiệt thòi.
Do đó, để triển khai thực hiện chủ trương này của TP, tạo ra lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, bà đề xuất trước tiên TP cần có quy hoạch rõ ràng, minh bạch.
"Dù là khó khăn nhưng tôi tin là người dân sẽ ủng hộ. Trước đây mình cũng định làm nhưng mà chưa có quy định rõ ràng nên người ta phản đối bởi vì người ta nói làm cái đường đó 60m tại sao lại thu tới 120m thì lúc đó trả lời không được vì không có quy định cụ thể. Thì bây giờ mình cứ làm quy hoạch cho đàng hoàng, con đường 60m mình thu 120m thì 60m còn lại mình làm cái gì để đem lại cho sự phát triển kinh tế của TP, của đất nước và lợi ích của người dân khu vực đó. Ví dụ khi làm thì hai bên đường đó mình quy hoạch nó sẽ phát triển như thế nào, hạ tầng như thế nào, đô thị ra sao? Mình thu vô thêm bao nhiêu mét nữa thì nó phải nằm trong quy hoạch, nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển sử dụng đất và quy hoạch của TP. Sau đó mình đấu giá đất đó để đầu tư cho phát triển hạ tầng của TP và việc tái định cư lại cho người dân... Nếu mà làm bài bản thì sẽ chỉnh trang được đô thị theo sự phát triển của TP, nó sẽ rất nề nếp", bà Tâm chia sẻ.
Cần làm một dự án kiểu mẫu để tạo sự đồng thuận
Cũng theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, để triển khai được Đề án này thành công và thuyết phục, trước hết TP cần triển khai thực hiện một dự án kiểu mẫu để tạo sự đồng thuận, tin tưởng từ phía người dân.
Theo bà, lâu nay việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án thực chất là do người dân lo ngại cuộc sống, công việc và thu nhập của họ sẽ không bằng nơi ở cũ.
"Tôi tin rằng nếu lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư mà hài hòa thì người dân sẽ ủng hộ, vì trước đây khi mình làm mình hay nói là hài hòa nhưng theo tôi là không hài hòa được. Bởi vì người dân bị giải tỏa khi nhận tiền đền bù đâu có tái lập lại cuộc sống như Nhà nước mình hay nói là phải khá hơn đâu. Thành phần đó cũng có nhưng mà ít. Người ta phải đi chỗ khác, đi xa, thì bây giờ mình tái định cư tại chỗ, dùng tiền chênh lệch địa tô đó xây dựng một khu đô thị mới hoặc là khu phố mới chẳng hạn, mình đưa người ta về đó ở, trường học có, công ăn việc làm có, tiện ích đầy đủ, cuộc sống tốt hơn thì người dân sẽ ủng hộ thôi", bà Tâm khẳng định.
Phạm Văn Đồng là một trong những tuyến đường lớn mà Nhà nước không thu hồi đất rộng ra để đấu giá, gây nhiều bất cập trong công tác đền bù.
Do đó, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đề xuất TP phải có cách làm để tạo sự đồng thuận của người dân mà không cách nào thuyết phục hơn bằng việc xây dựng một tuyến đường kiểu mẫu, công trình thực tế để người dân nhìn vào và thấy lợi ích của mình, cũng như của xã hội trong đó.
Cái tâm của mình phải trong sáng, đừng vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay vì cái gì đó.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm
"Mình làm một con đường nào để người dân thấy kiểu mẫu là như vậy đó, lợi ích của người dân được như thế này, tôi đấu giá đất công khai, đưa vô ngân sách, ngân sách này sẽ được dùng để làm cái gì. Tất cả phải công khai, mình bạch, rõ ràng. Cái tâm của mình phải trong sáng, đừng vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay vì cái gì đó. Người dân người ta phản đối là phản đối cái gì mình làm sai thôi chứ mình làm đúng, làm có lợi ích cho dân thì không có người dân nào đi phản đối cả”, bà nhấn mạnh.
Cũng theo bà, nếu đề án này được áp dụng thì TP sẽ có phương án để chỉnh trang đô thị văn minh và hiện đại hơn rất nhiều. Bà lấy ví dụ như ở Pháp đường phố, khu dân cư được quy hoạch rất bài bản, đồng bộ và hợp lý, tạo lên những dãy phố rất đẹp và văn minh. "Khu dân cư của họ thì không ở mặt đường như mình mà ở đó có đầy đủ trường học, bệnh viện, chợ búa, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể thao. Mình phải làm như vậy thì khi đó mới phát triển bền vững được. Mình thu hồi và mình quy định khu vực này phát triển ngành nghề này và như vậy mình sẽ có quy hoạch bài bản đâu ra và khi đó thì TP sẽ rất đẹp", bà Quyết Tâm nói.
-
Thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới mở: Không còn những con đường đắt nhất hành tinh
Theo các chuyên gia, thay vì giải tỏa đất chỉ để làm dự án hạ tầng, nhà nước giải tỏa thêm đất hai bên đường để đấu giá lấy kinh phí làm dự án hạ tầng. Điều này giúp tạo nguồn thu cho nhà nước và sẽ không còn xuất hiện những con đường “đắt nhất hành tinh”.