Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là điểm sáng tích cực của TP.HCM khi số vốn giải ngân lớn hơn gấp 2,35 lần. Ảnh Minh Trí/TTXVN
Tại hội nghị trực tuyến về “Công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020” do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 26/8, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đối với những dự án đã hoàn thành, nhưng chưa quyết toán phải đẩy nhanh thủ tục quyết toán, còn những dự án không khả thi thì làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố để chuyển sang dự án khác. Mặt khác, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần sâu sát hơn nữa các dự án để xử lý, báo cáo UBND thành phố trực tiếp tháo gỡ cho cơ sở.
Theo Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các đơn vị phải rà soát kỹ lưỡng để hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công, điều hành đồng bộ hơn và thay đổi cách làm trong những tháng còn lại của năm 2020.
Bên cạnh đó, tạo năng lượng mới để hoàn thành nhiệm vụ, không chờ dợi, ngại ngùng, phấn đấu trước ngày 15/10 đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở mức 80% và đến cuối năm 2020 đạt 100%.
“Định kỳ các sở, ngành tổ chức giao ban 1 lần/tuần về đầu tư công, từ đó có giải pháp kịp thời hoặc báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố giải quyết.
Công khai danh sách đơn vị chậm giải ngân, gửi Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để theo dõi, thúc tiến độ.
Mặt khác, các quận huyện cần giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu rõ.
Đối với nhóm giải pháp chống thất thu và gian lận thuế, UBND thành phố yêu cầu Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố tập trung rà soát các khoản thu phát sinh của doanh nghiệp trong tháng 7 và quý II/2020 đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn, miễn giảm tiền thuế, phí, tiền thuê đất; tổ chức thanh tra, kiểm tra ngay đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm có rủi ro cao về thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, nhưng vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục, quy trình để tham mưu các cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ.
Kiểm tra, rà soát mã số hồ sơ giá tính thuế, chính sách thuế để chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ nhằm xác định đúng số thuế phải nộp.
Đối với nhà đất thuộc đối tượng sắp xếp lại theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thành phố giao lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương thực hiện thủ tục bán đấu giá nhà đất; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề xuất phương án bán đấu giá nhà đất dôi dư.
Tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết: Tính đến hết ngày 23/8, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân gần 21.280 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (42.139 tỷ đồng), cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính khối lượng hoàn thành, nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố (2.127,347 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,5% kế hoạch vốn đã giao.
Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là điểm sáng tích cực của thành phố khi số vốn giải ngân lớn hơn gấp 2,35 lần, tỷ lệ giải ngân cũng tăng gấp 1,89 lần so với cùng kỳ.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố sẽ triển khai hàng loạt giải pháp; trong đó dự kiến đầu tháng 9/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện 3 tháng cuối năm 2020, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ quan trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần; rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án; điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao.
Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, từ đó lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về Đầu tư của thành phố.
Đối với các dự án ODA, thành phố sẽ chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thống nhất xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương bằng tiền đồng trong tháng 9/2020 như tuyến metro số 1, rà soát dự phòng phí sử dụng từ vốn ngân sách thành phố đối với tuyến metro số 2 làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Về vấn đề tài chính, thu ngân sách trên địa bàn, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 216.763 tỷ đồng (đạt 53,41% kế hoạch).
Nguyên nhân giảm sút thu ngân sách là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thành phố sẽ triển khai hàng loạt chính sách miễn giảm thuế, phí lệ phí trên địa bàn theo các chính sách, quy định của Chính phủ và HĐND thành phố, phấn đấu thu ngân sách năm 2020 đạt ít nhất 85,45% dự toán được giao với khoảng 347.000 tỷ đồng…/.
-
Chậm giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2019 trên cả nước hơn 270.209 tỉ đồng, chỉ đạt 62,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao