Khởi tố, bắt tạm giam 3 lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh
Chiều 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với 3 lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh.
Theo đó, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam:
Ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Phan Thành Mai - Nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc.
Ông Mai Hữu Khương - Nguyên thành viên Hội đồng quản trị, phụ trách Tài chính.
Lãnh đạo Thiên Thanh bị bắt: Bất động sản Đà Nẵng sẽ ra sao?
Thông tin liên quan vụ việc các lãnh đạo tập đoàn Thiên Thanh bị bắt, được các nhà đầu tư Đà Nẵng nhìn nhận là sự vận động tốt hơn cho thị trường địa ốc tại đây. Cụ thể với sân vận động Chi Lăng, không ít người cho là “có cơ hội” để thay đổi hướng xử lý mới thay cho hoạch định lâu nay.
Vấn đề này được giới địa ốc Đà Nẵng đặt ra từ suốt 2 ngày qua (30-31/7), liên quan đến hướng giải quyết các dự án do Thiên Thanh “đặt gạch” đầu tư ở Đà Nẵng mà dư luận quan tâm.
Theo lộ trình, kể từ ngày 03/8/2014, Đà Nẵng sẽ giao mặt bằng sân vận động Chi Lăng lại cho tập đoàn Thiên Thanh, để triển khai dự án xây dựng khu phức hợp Thiên Thanh Plaza có tổng vốn đầu tư đăng ký 750 triệu đô la Mỹ.
Điều này đồng nghĩa việc Đà Nẵng sẽ chấm dứt sự hoạt động của sân bóng đá đã tồn tại nhiều năm này, và hướng đến 1 sân mới ở khu vực Hòa Xuân (Hòa Vang).
Thanh tra dự án chung cư Nam Đô Complex
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Gia Yên (Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng) cho biết đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng nhà chung cư và một số nội dung khác theo chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng đối với Công ty này.
Bên cạnh đó, đoàn sẽ xác minh, làm rõ những nội dung khiếu nại tố cáo của cư dân chung cư Nam Đô Complex liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, chất lượng công trình, chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho cư dân tòa nhà của chủ đầu tư.
Chung cư Nam Đô Complex- 609 do Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí toàn cầu GP-Invest làm chủ đầu tư là dự án thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua vì những vấn đề gây bức xúc trong công tác thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, đặc biệt là tình trạng hàng trăm hộ dân thuộc chung cư này phải dùng nước sinh hoạt nhiễm bẩn.
Nghịch lý dự án treo tại quận Hoàng Mai
Thời gian qua, Tập đoàn Gamuda xin rút khỏi dự án khu B Công viên Yên Sở trên địa bàn quận Hoàng Mai do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Tìm hiểu về câu chuyện này, nhóm phóng viên tiếp tục phát hiện những nghịch lý tại đây.
Khu đô thị Tây Nam Kim Giang nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai được khởi công từ năm 2007. Nhưng dự án này hiện chỉ là khu đất trống. Hàng loạt các cửa hàng, những khu nhà tạm bợ mọc lên ngay trước cổng của dự án. Giải thích lý do sinh sống tại đây, chị Ngũ cho biết, đơn giản là do thấy đất trống chưa sử dụng làm gì.
Trái ngược hẳn với câu chuyện người dân chiếm đất trên dự án treo thì người dân tại khu B dự án công viên Yên Sở lại muốn được di dời càng sớm càng tốt.
Giá thuê đất “đè” doanh nghiệp
Hiệp hội DN TP.HCM phối hợp với Hội DN quận Phú Nhuận TP.HCM tổ chức hội thảo “Khó khăn của DN về giá cho thuê đất”, cho thấy tình trạng nhiều DN không trả được tiền thuê đất quá cao.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, giá thuê đất cho DN hiện quá cao, chỉ trong vòng 2 năm 2010-2012 giá đất tăng 5-7 lần, có nơi tăng mười mấy lần. Giá thuê đất được tính theo giá thị trường khiến cho tiền thuê đất đang là gánh nặng của các DN. Tình trạng nhiều DN bị truy thu thuế đất với số tiền rất lớn khiến họ lâm vào tình cảnh khó khăn và có khả năng không trả được.
Theo ông Bùi Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty cổ phần May da xuất khẩu 30-4, công ty ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM thời hạn 50 năm, đóng thuế đất 2 năm/lần ở Chi cục Thuế Phú Nhuận. DN thực hiện đúng nghĩa vụ, nhưng đến năm 2006, Chi cục Thuế Phú Nhuận điều chỉnh tăng giá thuê đất trên 300%, năm 2010 tăng 335% và ra thông báo cho DN nộp tiền thuê đất.
Chỉ từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 DN phải nghiên cứu đến 11 văn bản về tiền thuê đất.
Phú Quốc có lập nên “hat-trick”?
Đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang đứng trước cơ hội mới: Trở thành đô thị loại II; thành lập TP.Phú Quốc và xây dựng Đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Đầu năm 2014 đến nay, tại huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 DA với diện tích hơn 120ha; cấp mới 22 giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 643ha, tổng số vốn 33.409 tỉ đồng; nâng tổng số DA trên địa bàn huyện là 194 DA đầu tư được chấp thuận chủ trương và được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 8.530ha.
Hiện Bộ Nội vụ đang thẩm định, trình Chính phủ xem xét quyết định. Bên cạnh đó cũng đã triển khai đề án xây dựng Đặc khu kinh tế Phú Quốc. Đến nay, đề án đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương để hoàn thiện, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét. Nói chung, đảo ngọc Phú Quốc đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh, có tính nhảy vọt!.
Việc một công dân đang lập thủ tục khởi kiện UBND xã ra tòa án vì bị cưỡng chế container văn phòng đã đặt ra những vấn đề pháp lý khi sử dụng loại công trình này.
Ông Trần Văn Tùng, tạm trú tại KP.10, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM cho biết, năm 2011, ông mua giấy tay một lô đất rộng 89 m2 tại tổ 166, ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn.
Đầu năm 2014, do cần chỗ giao dịch, ông Tùng mua một container diện tích 30 m2 về đặt trên lô đất nói trên làm văn phòng và xây thêm một số công trình phụ xung quanh. Ngày 7.3.2014, UBND xã Thới Tam Thôn đã lập biên bản vi phạm và cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình phụ, riêng container thì vẫn giữ nguyên. Đến ngày 19.6.2014, UBND xã lại gửi thông báo yêu cầu ông Tùng tháo dỡ container trước ngày 25.6. Ông Tùng gửi đơn khiếu nại vì cho rằng đó không phải là công trình xây dựng. Tuy nhiên, ngày 27.6.2014, UBND xã vẫn tiến hành cưỡng chế tháo dỡ container văn phòng. Hiện ông Tùng đang lập thủ tục khởi kiện UBND xã Thới Tam Thôn tại TAND H.Hóc Môn.