Trong vai người cần vay vốn mua nhà, phóng viên ĐTCK đã khảo sát một số ngân hàng có thông báo dành hàng nghìn tỷ đồng cho vay mua nhà. Tuy nhiên, có đi gõ cửa ngân hàng mới biết cái đoạn trường vay vốn mua nhà nhiều khi như một “điệp vụ bất khả thi” vậy.
Khúc mắc tài sản đảm bảo
Thực tế thì đúng là hiện nay ngân hàng đã mở hầu bao cho vay mua nhà. Đến chi nhánh của bất cứ một ngân hàng nào, thay vì bị từ chối thẳng thừng như trước, tôi được nhân viên tín dụng hay nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân niềm nở dành cả giờ đồng hồ để tư vấn, giới thiệu. Thế nhưng, để vay được vốn mua nhà không dễ, bởi dù chứng minh được tài sản thế chấp đảm bảo, chứng minh được nguồn thu nhập hàng tháng, tôi vẫn không thể vay vốn mua nhà; hoặc nếu có thể vay vốn, tôi cũng chỉ vay được một khoản khiêm tốn dưới dạng hợp đồng vay tiêu dùng với lãi suất rất cao.
Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Cát Linh (Hà Nội), sau khi nghe nguyện vọng muốn được vay vốn mua nhà và muốn thế chấp chính căn hộ sắp mua để vay vốn, Tổ trưởng tín dụng có tên M.N.N cho biết, tôi không thể thế chấp vay tiền bằng căn hộ tại một dự án sắp hoàn thiện, vì đó vẫn là tài sản hình thành trong tương lai do căn hộ chưa có sổ đỏ. Vì thế, muốn vay tiền, tôi cần phải thế chấp bằng tài sản có sổ đỏ khác như nhà, đất của bố mẹ hoặc bất kỳ ai đứng ra bảo đảm.
Sau khi cam kết chắc chắn có tài sản bảo đảm, số tiền tôi được vay còn phụ thuộc vào tổng thu nhập của gia đình được chứng minh qua giao dịch ngân hàng. Với tổng thu nhập khai báo của gia đình lên tới trên 20 triệu đồng/tháng, tôi nghĩ mình sẽ vay được lượng vốn kha khá để bù đắp khoản còn thiếu hụt để mua nhà. Tuy nhiên, khi nghe đến số tiền có thể vay được chỉ từ 200 - 300 triệu đồng, tỏ thái độ rất thất vọng và thuyết phục nhân viên này tính toán lại, hoặc có thể mách “cơ chế” nào khác để tôi vay được vốn mua nhà. Sau một hồi tính toán, nhân viên tín dụng này cho biết, hạn mức vay của tôi được nâng lên hơn 400 triệu đồng, tuy nhiên, nếu vay tiền, tôi phải chấp nhận mức lãi suất 17%/năm. Trong đó, lãi suất 15% ghi trên hợp đồng và 2% lãi suất còn lại được ghi dưới dạng quản lý tài sản.
Với mỗi khoản vay, khách hàng nên chú ý đến nhu cầu thực và khả năng chi trả của mình
Nghi ngờ vào hạn mức tín dụng và mức lãi suất tại Chi nhánh Cát Linh (bởi trước đó không lâu, VPBank từng công bố gói hỗ trợ cho vay mua nhà, mua ô tô lên tới 1.900 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 12%/năm), tôi tìm đến một chi nhánh khác của VPBank trên đường Nguyễn Chí Thanh. Tại đây, tôi được nhân viên quan hệ khách hàng có tên L.M.H cho biết, do tiêu chí tài sản đảm bảo mới thay đổi nên chi nhánh không chấp nhận tài sản hình thành trong tương lai, không chấp nhận tài sản đảm bảo nằm ngoài 10 quận nội thành. Đồng thời, nếu đủ điều kiện vay vốn, khách hàng phải chấp nhận lãi suất 16,5%/năm.
Sau VPBank, tôi tìm đến Chi nhánh Ngân hàng Quốc Tế (VIB) tại Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) để tiếp tục vay tiền. Trước đó, đọc thông tin VIB giới thiệu trên website về chương trình cho cá nhân vay tiền mua nhà với tổng hạn mức lên tới 70 - 90% giá trị căn hộ, với lãi suất linh hoạt và được thế chấp vay vốn bằng chính căn hộ định mua, tôi khấp khởi mừng thầm. Thế nhưng, quảng cáo là một chuyện, còn vay được vốn hay không lại là chuyện khác.
Theo nhân viên quản lý khách hàng tại chi nhánh này của VIB có tên L.T.K, Ngân hàng cũng không chấp nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, nếu đó không phải là dự án của đối tác được VIB ký kết. Trong khi đó, chủ dự án căn hộ tôi định mua do chưa có ký kết với VIB, nên nếu muốn thế chấp bằng căn hộ, tôi sẽ phải chờ chủ dự án và Ngân hàng ký kết hợp đồng hợp tác. Tuy nhiên, việc ký kết chỉ để phục vụ một khách hàng cá nhân là rất khó. Vì thế, bắt buộc tôi phải có tài sản thế chấp khác nếu muốn vay vốn tại VIB.
Thế nhưng, cũng theo nhân viên này, các tài sản thế chấp vay vốn tại VIB nếu nằm ở ngoại thành thì phải là những khu đất mặt quốc lộ, còn không, khách hàng rất khó được chấp nhận. Vậy là, với tiêu chí này, việc vay vốn của tôi tại VIB cũng trở nên bất khả thi.
Ngân hàng “chuộng” cho vay tiêu dùng cá nhân
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới tín dụng bất động sản, nhiều ngân hàng đã dành những gói hỗ trợ cho vay bất động sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng việc vay được vốn mua nhà theo những gói hỗ trợ vẫn rất khó. Trong khi đó, về phía các ngân hàng, có lẽ vì sợ nợ xấu gia tăng, nên các ngân hàng đều rất “cảnh giác” và rất khắt khe với tài sản thế chấp là bất động sản, nhất là với các tài sản hình thành trong tương lai. Vì thế, các ngân hàng mà phóng viên ĐTCK khảo sát đều từ chối dùng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp vay vốn.
Trên website của mình, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) thông báo, có thể hỗ trợ cho khách hàng vay tối đa lên đến 70% nhu cầu vay vốn trong chương trình cho vay mua nhà, với thời hạn lên đến 120 tháng. Mới đây, GPBank cũng công khai tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho khách hàng mua nhà tại Dự án Nam Đô Complex, 609 Trương Định (Hà Nội).
Thế nhưng, khi phóng viên đặt yêu cầu vay vốn mua nhà tại Chi nhánh Nam Trung Yên của GPBank, nhân viên tín dụng ở đây cho biết, hiện Ngân hàng không cho vay dài hạn, mà chỉ ưu tiên cho vay ngắn hạn trong thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, cũng theo nhân viên tín dụng này, với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng và có tài sản thế chấp, tôi vẫn có thể vay tiêu dùng với hạn mức lên đến 200 - 300 triệu đồng, nhưng với mức lãi suất lên đến 18%/năm.
Trong khi đó, khi đến Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh số 57 Láng Hạ, tôi được một nhân viên tín dụng tên N.T.N tư vấn. Sau khi kiểm tra các điều kiện khách hàng có thể đáp ứng để tiến hành cho vay vốn, nhân viên này khẳng định, hiện Techcombank cũng không chấp nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Theo nhân viên tín dụng N., hiện Techcombank chỉ chấp nhận tài sản đảm bảo thuộc 10 quận nội thành. Vì thế, các tài sản thế chấp thuộc huyện Từ Liêm và Hoài Đức mà tôi cam kết đưa ra đều không đáp ứng để vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi 14,99%/năm của Ngân hàng.
Tuy nhiên, theo nhân viên tín dụng này, tôi vẫn có thể vay tiền để mua nhà bằng việc chuyển sang vay theo chương trình vay tiêu dùng cá nhân. Căn cứ vào hồ sơ tôi giới thiệu (gồm hợp đồng mua nhà, các tài sản thế chấp và thu nhập của gia đình khoảng 25 triệu đồng/tháng), nhân viên này cho biết, hạn mức tối đa tôi có thể vay lên tới 500 - 600 triệu đồng. Đây là hạn mức rất cao đối với khách hàng vay tiêu dùng. Tuy nhiên, vì là vay tiêu dùng nên lãi suất cũng khá cao 15,99%/năm.
Hóa ra, việc vay vốn mua nhà trong bối cảnh nhiều ngân hàng đua nhau quảng cáo những gói vốn hỗ trợ lớn là không dễ chút nào. Vì thế, chắc nhiều khách hàng cũng tôi đành tặc lưỡi: Thôi lại phải chờ khi nào lãi suất hạ thêm thì đi vay mua nhà trở lại vậy. Biết đâu khi ấy, giá nhà lại còn giảm thêm!