Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quý III/2015 tăng trưởng GDP có thể tăng 6,42%, lạm phát chỉ ở mức 0,92%, tăng trưởng xuất khẩu tăng 10,6%.

Theo dự báo tăng trưởng kinh tế cuối năm vẫn sẽ tăng cao. Nếu không có gì bất thường thì GDP năm 2015 có thể đạt 6,5%.

Tại hội thảo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2015: chuyển biến, cơ hội và chính sách, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, diễn biến kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm đã phục hồi rõ nét cả đầu tư và chi tiêu dùng.

Trong đó, công nghiệp - xây dựng là điểm sáng chính với tăng trưởng nhanh (9,1% trong 6 tháng so với 2014); sản xuất và đơn hàng tăng vững chắc. Song tiềm năng tăng trưởng chậm được cải thiện.

CPI tăng 0,65% trong quý II, lạm phát ổn định ở mức thấp nhưng kỳ vọng lạm phát chưa giảm vì rủi ro tăng giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu; lãi suất; tỷ giá.

Lãi suất nhìn chung ổn định nhưng khó giảm thêm và áp lực vẫn tăng ở một số ngân hàng thương mại.

Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu vẫn ở mức cao. Mặc dù đã quốc hữu hoá một số ngân hàng thương mại nhưng hạn chế về nguồn lực, tài lực và pháp lực khiến kết quả xử lý nợ xấu chưa rõ ràng. Do đó cần phải có bước chuyển biến mạnh mẽ để đạt được mục tiêu nợ xấu dưới 3% vào tháng 9/2015.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do kim ngạch nông, thủy sản giảm và giá thế giới giảm. Thâm hụt thương mại 2,4 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm và 3,07 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung từ nay đến cuối năm tỷ giá về cơ bản khá ổn định. Hiện tỷ lệ đầu tư/GDP phục hồi, ở mức 30 – 31% song hiệu quả đầu tư lại chưa được cải thiện nhiều,xu hướng đầu tư chưa hợp lý. Vốn giải ngân 6 tháng chậm, đặc biệt khối Nhà nước.

Vốn thực hiện tăng nhưng vốn đăng ký mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giảm. Tuy nhiên TS Cung cũng cho rằng đôi khi FDI giảm lại là điều tốt, là con đường, cơ hội mới vì nó sẽ tạo ra áp lực, buộc anh phải thay đổi để có nguồn lực khác bù vào. Đặc biệt là khu vực nhà nước với tài nguyên thiên nhiên, khối tài sản, tiềm năng lớn, nếu chuyển những khối tài sản khổng lồ này thì sẽ hay hơn nhiều việc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Cũng theo đánh giá của TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban CIEM thì Việt Nam đang thu hút quá nhiều FDI nhưng tác động đến tăng trưởng kinh tế là rất ít. Kỷ cương đầu tư công vẫn còn lỏng lẻo, mục tiêu phân bổ đầu tư công theo thị trường ở nước ta vẫn chưa thực hiện được.

Theo TS. Cung, vấn đề ở đây không phải là siết chặt, hạn chế FDI hay tâm lý bại ngoại mà cần phải khuyến khích kinh tế trong nước. Bức tranh kinh tế nhìn về ngoài có vẻ tốt nhưng nhìn sâu hơn, dài hơn có thể có rất nhiều vấn đề.

“Từ năm 2000- nay năng suất lao động nội ngành giảm mà chủ yếu do cơ cấu lại nguồn lực. Vốn đầu tư chủ yếu đổ vào những ngành có năng suất thấp là: ngân hàng, tài chính, bất động sản. Đây là một nghịch lý. Đáng lẽ ra vốn phải được chuyển từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% vào cuối năm, TS. Cung cho rằng không chỉ là ổn định kinh tế vĩ mô mà phải thay đổi cơ cấu, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, tăng năng suất lao động. Hay nói cách khác là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, cải cách thể chế để thị trường phân bổ nguồn lực: vốn, quyền sử dụng đất, lao động tốt hơn chứ không phải phân bổ bằng biện pháp hành chính.

Diệu Thùy (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.