Tòa tuyên một bên phải trả đất nhưng không xem xét tài sản trên đất là chuồng bò, có ý kiến cho rằng phải giám đốc thẩm hủy án.

Tháng 10-2014, vợ chồng bà Võ Thị Quí ký giấy đặt cọc bán mảnh đất 1.155 m2 (ngang 15 m, dài 77 m) tại huyện Đức Hòa, Long An cho bà Huỳnh Thuận Linh với giá 45 triệu đồng/mét ngang.

Hai tháng sau hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng tại phòng công chứng, trong hợp đồng ghi diện tích chuyển nhượng là 1.264 m2. Sau đó, bà Linh đã làm thủ tục sang tên và được cấp giấy chứng nhận.

Xây tường rào, đụng chuồng bò

Sau khi biết diện tích chuyển nhượng trong hợp đồng nhiều hơn trong giấy đặt cọc, phía bà Quí không đồng ý giao đất. Do đó, bà Linh đã khởi kiện (vụ án thứ nhất) yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng và giao đất.

Tháng 9-2016, xử sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa tuyên buộc bà Quí và các con (do chồng bà Quí đã chết) giao cho bà Linh phần diện tích đất theo đúng hợp đồng. Tòa buộc bà Linh trả cho phía bà Quí 250 triệu đồng là tiền mua đất còn thiếu.

Chuồng bò của gia đình bà Quí hiện nằm giữa tường rào bao quanh mảnh đất. Ảnh: YC

Bà Quí kháng cáo, xử phúc thẩm TAND tỉnh Long An giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tháng 10-2017, Chi cục Thi hành án huyện cưỡng chế giao đất cho bà Linh trong khi gia đình bà Quí vắng mặt. Sau đó, bà Linh xây hàng rào trên bao quanh đất thì đụng phải chuồng bò của gia đình bà Quí trên đất nên bị phản đối. Vì vậy, cuối năm 2018, bà Linh lại khởi kiện yêu cầu bà Quí phải di dời tài sản trên đất là cái chuồng bò và trả lại 3 m2 đất cho bà.

TAND huyện Đức Hòa thụ lý tiếp vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (vụ án thứ hai). Trong vụ này bà Quí làm đơn phản tố và các con bà Quí làm đơn yêu cầu độc lập yêu cầu bà Linh phải trả lại cho gia đình 196 m2 đất bị lố so với diện tích ghi trong hợp đồng.

Tháng 9-2020, TAND huyện đưa vụ án ra xét xử nhưng bà Quí khiếu nại vì cho rằng tòa chưa thực hiện xong các thủ tục theo luật định. Tuy nhiên, trong thời gian chờ tòa giải quyết khiếu nại thì bà Quí nhận được thông báo trả lại đơn phản tố với lý do hết thời hạn 15 ngày mà bà không sửa đổi đơn theo thông báo của tòa. Bà Quí khiếu nại tòa cho rằng bà không nhận được thông báo yêu cầu sửa đơn và tòa ra thông báo trả đơn ngày 25-6-2019 nhưng đến ngày 5-1-2021 (một năm sáu tháng sau) mới tống đạt cho bà.

Sau đó, dù không trả lời các khiếu nại nhưng tòa vẫn đưa vụ án ra xét xử vào ngày 29-1 và tuyên đình chỉ vụ án với lý do bà Linh rút đơn kiện. Hiện bà Quí đã kháng cáo quyết định đình chỉ này, tòa chưa xử phúc thẩm.

Tòa án, VKS nói gì?

Về vụ án thứ nhất, năm 2017, bà Quí nộp đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Hơn ba năm sau, TAND Cấp cao tại TP.HCM trả lời đơn cho rằng việc chuyển nhượng đất đúng quy định, việc cấp giấy là phù hợp.

Theo tòa, diện tích đất thực tế lớn hơn so với thỏa thuận nhưng bà Linh chỉ khởi kiện yêu cầu giao đúng phần đất đã ký hợp đồng. Tòa sơ và phúc thẩm cũng chỉ buộc phía bị đơn giao diện tích đất đã ghi trong hợp đồng là phù hợp nên không có căn cứ kháng nghị.

Tuy nhiên, theo bà Quí, bà chỉ chuyển nhượng 1.155 m2 đất nhưng tòa buộc bà giao cho bà Linh 1.264 m2 là sai. Không chỉ thế trong hồ sơ vụ án có bản vẽ (năm 2016) thể hiện diện tích đất tranh chấp lên tới 1.351 m2. Cạnh đó, quá trình giải quyết có tài sản trên đất là cái chuồng bò nhưng hai cấp tòa lại không xem xét, quyết định là chưa triệt để. Chuồng bò này được gia đình bà xây từ trước năm 1975, hiện nay vẫn đang sử dụng để nuôi bò. Ngày 5-8-2020, UBND xã Đức Hòa Thượng cũng đã xác nhận trên đất có một chuồng bò xây dựng trước năm 2000.

Ngày 10-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện TAND huyện Đức Hòa cho biết việc khiếu nại liên quan đến thông báo trả đơn phản tố và thông báo sửa đổi đơn, chánh án tòa huyện đã trả lời khiếu nại của bà Quí (khi PV hỏi thì bà Quí khẳng định chưa nhận được giải quyết khiếu nại). Vị này cho rằng nếu bà Quí không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên TAND tỉnh Long An. Theo vị đại diện, các vấn đề khác trong vụ án mà PV hỏi không có cơ sở cung cấp vì thuộc phạm vi tố tụng.

Cùng ngày 10-3, đại diện VKSND huyện cho rằng việc trả lại đơn phản tố và yêu cầu độc lập tòa án huyện đã có trả lời đơn khiếu nại. Còn việc tòa đã tống đạt quyết định giải quyết khiếu nại hay chưa, VKS sẽ kiểm tra lại hồ sơ.

Nếu bà Quí không đồng ý giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại lên cấp tỉnh. Do vụ việc đang được cấp tỉnh giải quyết nên theo quy chế phát ngôn của ngành thì VKS huyện từ chối trả lời. Về các vấn đề liên quan đến vụ án thứ nhất, bản án đã có hiệu lực nên thuộc thẩm quyền trả lời của VKSND tỉnh.

Trước đó, ngày 6-3, PV đã đến nhà để tìm hiểu thông tin nhưng bà Linh từ chối tiếp.

Cần xem xét giám đốc thẩm vụ án

Thứ nhất, việc trả lại đơn khởi kiện và yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kiện hay đơn phản tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự nên tòa phải gửi ngay cho họ. Gia đình bà Quí đang khiếu nại việc tòa trả đơn phản tố thì tòa phải giải quyết khiếu nại triệt để. Vì nếu khiếu nại được chấp nhận thì tòa phải tiếp tục giải quyết yêu cầu phản tố. Bà Linh rút đơn nhưng bà Quí còn phản tố thì lúc này theo quy định bà Quí sẽ trở thành nguyên đơn chứ tòa không thể đình chỉ vụ án.

Thứ hai, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tòa phải thẩm định, xem xét hiện trạng, diện tích thực tế và các tài sản trên đất. Tòa buộc phía bà Quí giao đất cho bà Linh nhưng không đá động đến cái chuồng bò là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Việc tòa giải quyết tranh chấp theo diện tích trong hợp đồng mà không dựa vào thực tế sẽ làm cho bản án không thể thi hành trong trường hợp hiện trạng khác với bản vẽ như vụ án này.

Việc tòa không giải quyết rõ vấn đề khiếu nại, phản tố và giải quyết tài sản trên đất là giải quyết không triệt để vụ án, không đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. Vì vậy, tôi nghĩ người có thẩm quyền cần xem xét giám đốc thẩm vụ án này.

ThS PHAN NGUYỄN BẢO NGỌC, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Yến Châu (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.