Công trình tổ hợp khách sạn tại 23-32 Lê Thái Tổ.
Muốn đập hai biệt thự cũ phải được Thủ tướng chấp thuận
Khu đất có diện tích hơn 2.871m2 nằm sát Hồ Gươm do Công ty CP Intemex Việt Nam đang quản lý được Sở TN&MT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BD 985958 vào ngày 8/3/2011. Khu đất có mặt tiền dài nhất của tuyến phố Lê Thái Tổ, bởi hiện tuyến phố này được đánh theo số chẵn từ số 2 đến số 48 thì khu đất này đã bao gồm từ số 22,24,26,28,30,32.
Điều đáng nói, trong báo cáo của các sở chuyên môn Hà Nội về quá trình giải quyết hồ sơ của dự án này cho thấy, khu đất lập dự án đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn và dịch vụ cao cấp tại số 22-32 có liên quan đến 2 công trình biệt thự cũ xếp nhóm 2 theo danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội” (cụ thể 2 biệt thự cũ ở đây là số 30 và 32-PV).
Ngày 30/12/2015, trên cơ sở báo cáo khảo sát, kiểm định và đánh giá chất lượng hiện trạng công trình nhà biệt thự số 30 và 32 phố Lê Thái Tổ do Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội lập tháng 11/2015, Sở Xây dựng đã có ý kiến cho rằng, công trình tại khu đất nêu trên đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn quá trình khai thác sử dụng và đề nghị Sở QH-KT căn cứ vào quy hoạch, quy chế quản lý sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năn 1954 để báo cáo thành phố Hà Nội quyết định.
Tham gia ý kiến chuyên môn về vấn đề này, Sở QH-KT kiến nghị giữ nguyên quy mô về tầng cao, chiều cao tầng, mật độ xây dựng các công trình phía ngoài giáp mặt phố Lê Thái Tổ đảm bảo tuân thủ quy định tại “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội nhằm gìn giữ được hình ảnh không gian kiến trúc đặc trưng của tuyến phố Lê Thái Tổ (được đánh giá là tuyến phố giữ kiến trúc đẹp nhất trong khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm)”.
Sở QH-KT cũng đưa ra ý kiến, trong trường hợp các công trình biệt thự nhóm 2 (phía ngoài, giáp phố Lê Thái Tổ) bị hư hỏng nặng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn sử dụng theo ý kiến của Sở Xây dựng thì chủ đầu tư có thể nghiên cứu phương án xây dựng lại nhà biệt thự đảm bảo theo kiểu dáng kiến trúc bên ngoài quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao) trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép phá dỡ công trình.
“Các trường hợp đặc biệt phải phá dỡ để xây dựng công trình mới thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, sau đó UBND thành phố quyết định cho phép phá dỡ công trình”, văn bản nêu rõ.
Không được lấn át Hồ Gươm
Trao đổi với Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, do mặt đứng phía ngoài của công trình 22-32 Lê Thái Tổ chạy dài tạo nên một thể thống nhất, đơn điệu, nên bức tường dù bằng chất liệu gì cũng không tốt. Vì vậy cần phải chia nhỏ ra để mặt đứng công trình hài hòa với kiến trúc xung quanh khu vực Hồ Gươm: “Xung quanh khu vực Hồ Gươm đều là các công trình kiến trúc nhỏ. Đặc biệt hình thức kiến trúc của nó rất dung dị, không nên cầu kỳ, loè lẹt tạo cảm giác áp đặt, lấn áp Hồ Gươm”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, không gian xung quanh Hồ Gươm là không gian lễ hội, không gian công cộng tập trung đông người mà sắp tới các tuyến phố này trở thành tuyến phố đi bộ, nên cần phải quan tâm đến vấn đề giao thông. “Nếu khi xung quanh Hồ Gươm trở thành phố đi bộ thì xe cộ ra vào khách sạn như thế nào? Bởi có khách sạn và khu kinh doanh dịch vụ thì phải có nơi đỗ xe, mật độ giao thông quanh khu vực đó cũng nhiều hơn. Vì vậy cần phải tính toán làm sao để khu vực khách sạn đó không trở thành nút thắt về giao thông”, ông Tùng phân tích. Ông Tùng cũng cho rằng, việc xây dựng công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh Hồ Gươm không chỉ tính toán cho hiện tại mà còn phải cho tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Việt Nam cho rằng, việc công trình số 22-32 Lê Thái Tổ xây mới với chức năng dịch vụ và khách sạn có thể chấp nhận được bởi vị trí đó rất cần cho những dịch vụ cao cấp. Nó giống như bộ mặt của Thủ đô. Tuy nhiên, ở mức độ dày đặc quá thì phải xem xét. Theo ông Thông về kiến trúc, muốn xây một công trình ở đó thì phải đánh giá rất kỹ giá trị của kiến trúc hiện có.
Hà Nội hiện có trên 1.250 biệt thự thuộc diện quản lý và sử dụng theo quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ xây dựng từ trước năm 1954. Trong đó biệt thự nhóm 2 có khoảng 328 là những biệt thự có giá trị về kiến trúc khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài và không thay đổi quy hoạch về mật độ, chiều cao số tầng. |