Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặt hàng thép rất khó dự báo giá trong dài hạn, nhất là hiện nay, nước ta vẫn phải nhập tới 70% lượng phôi thép và 47% thép phế cho sản xuất.

Phân tích của VSA cho thấy, giá thành 1 tấn thép khoảng 650 USD/tấn, trong trường hợp tỷ giá USD tăng thêm 1.000 đồng/USD thì chi phí sản xuất thép đội thêm 650.000 đồng/tấn. Nếu giá thép phế, phôi nhập khẩu tiếp tục tăng, cộng với tỷ giá USD biến động, khả năng giá thép trong nước tiếp tục ăng là điều có thể xảy ra.

Giá thép sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu xây dựng cuối năm tăng - Nguồn internet

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá thép trong nước tăng do bị tác động bởi tỷ giá USD đang ở mức khá cao khiến chi phí đầu vào của sản xuất thép tăng theo, buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán thép thành phẩm mới bù đủ chi phí sản xuất.

Lãi suất vay ngân hàng hiện nay đã lên đến 19%/năm, kèm theo đó là giá USD tăng từ 19.500 đồng lên 21.500 đồng/USD khiến phôi thép tăng từ 12 triệu đồng lên gần 13 triệu đồng/tấn, cộng thêm 1,5 - 1,7 triệu đồng chi phí gia công, hiện thì giá thành mỗi tấn thép là 14,5 triệu đồng.

Về phía nhà sản xuất, đại diện một công ty thép nhận định: Nếu thời gian tới, tỷ giá USD trên thị trường vẫn giao động quanh mức 21.000 đồng/USD, cộng với giá phôi thép thế giới đang tăng, thêm các chi phí đầu vào của ngành thép như quặng, than… tăng nên giá thép có thể tăng nữa.

Ghi nhận tại các cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở quận Thủ Đức và Bình Tân, giá thép nhập các loại cũng tăng với mức dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Trong đó thép Việt - Hàn loại cả cây và cuộn hiện có giá 14,45 triệu đồng/tấn (đã bao gồm VAT); thép Việt - Úc giá 14,8 triệu đồng/tấn (đã bao gồm VAT)…

Cũng theo ông Nghi, sau khi chạm đáy vào tháng 6, giá thép từ tháng 7-2010 bắt đầu tăng khá mạnh. Nguyên nhân do giá phôi thép trên thị trường thế giới sau thời gian giảm xuống dưới 500 USD/tấn, bắt đầu tăng trở lại mức 570 - 590 USD/tấn, thép phế cũng đạt tới 490 - 510 USD/tấn. Thêm vào đó, lượng thép tồn kho của các nhà phân phối cũng cạn dần, buộc phải nhập khẩu hàng khiến nhu cầu tăng lên, đẩy giá thép tăng theo.

M.Tuấn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland