Các chuyên gia cho rằng, việc nới van tín dụng với bất động sản sẽ vô nghĩa, nếu nhà đầu tư quay lưng với thị trường bất động sản.

Tại diễn đàn bất động sản (BĐS) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay thì cách tốt nhất để vượt qua là doanh nghiệp phải tự thay đổi để cứu mình.

Quản trị doanh nghiệp kém

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội BĐS Việt Nam đối với một số doanh nghiệp BĐS niêm yết được xem là có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2011, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp là LCG có lợi nhuận sau thuế cao hơn kế hoạch đề ra. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ đạt lợi nhuận sau thuế ở mức dưới 40%, cá biệt có doanh nghiệp chỉ đạt hơn 10% kế hoạch.

Trong khi lợi nhuận quá thấp như vậy thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này lại có xu hướng tăng cao, đa phần là trên 50%, có những doanh nghiệp còn vượt quá mức 100% như HAG (118%), NBB (116%), DXG (103%), đặc biệt là CII lên tới 278%.

Lý giải thực trạng trên, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cổ phiếu doanh nghiệp BĐS trong năm 2011 đều có xu hướng giảm mạnh so với thị trường do những tác động từ chính sách và sự đóng băng của thị trường BĐS. Nhà đầu tư chứng khoán dè dặt hơn với nhóm cổ phiếu này do lo ngại về những rủi ro tài chính của các doanh nghiệp.

“Đối với những cổ phiếu có lợi nhuận âm thì việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh là lẽ đương nhiên, nhưng đối với nhóm cổ phiếu có lợi nhuận dương cũng không nằm ngoài xu hướng giảm giá mới là điều đáng ngại”, ông Mai nói và dự báo, ngành BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn cổ phiếu có cơ bản tốt và đặc biệt phải có thông tin hỗ trợ mới kỳ vọng giá tăng.

Tiền gửi ngân hàng tăng 15% từ đầu năm cho thấy người dân đang lưỡng lự với các kênh đầu tư khác

Bước sang quý I/2012, khó khăn và thách thức tiếp tục bộc lộ. Theo đánh giá của BIDV, tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, trong khi sức mua nội địa giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao. Điều đó dẫn đến hậu quả là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản tăng mạnh. Các nhân tố trên phản ánh tình trạng sản xuất đình trệ, trong khi môi trường kinh doanh xấu đi.

Ông Mai đưa ra một đánh giá của Ernst&Young về thực trạng của các doanh nghiệp như sau: hạch toán chuẩn về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS đang có nhiều vướng mắc, dẫn đến việc phân tích dòng tiền, hiệu quả dự án khi vay gặp khó khăn; hoặc trên thực tế, sử dụng dòng tiền sai mục đích. Vì vậy, Ernst&Young khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải củng cố về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro về tài chính, kế toán.

Hướng đến người tiêu dùng

Ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp BIDV phản ánh một thực trạng rất đáng lo ngại là trong thời gian qua, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng khoảng 15% so với hồi đầu năm 2011. Điều này cho thấy, người dân đang lưỡng lự trong việc lựa chọn kênh đầu tư, mặc dù thị trường BĐS đã sụt giảm nhiều, có phân khúc giảm giá 40 - 50%.

“Chính sách nới lỏng tín dụng sẽ trở thành vô nghĩa nếu người tiêu dùng vẫn quay lưng lại với thị trường BĐS”, ông Lực nói và cho rằng, để “kéo” người tiêu dùng trở lại với thị trường thì không ai khác mà phải chính là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS.

Tại diễn đàn, ông Lê Đức Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INT Group đã “vạch áo cho người xem lưng” khi chia sẻ, từ khi thị trường BĐS rơi vào khó khăn, ông đã phải thực hiện tiết giảm chi phí bằng cách loại bỏ nhiều khâu trung gian, trực tiếp cơ cấu lại các khoản nợ, đến tận nơi tiếp xúc và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của khách hàng để tháo gỡ khó khăn nhằm đưa doanh nghiệp vượt qua thời điểm khủng hoảng.

“Qua xâm nhập thực tế và lắng nghe, tôi đã rút ra được nhiều điều, trong đó đúc kết lớn nhất là phải tự cứu lấy mình trước khi quá muộn”, ông Hải nói và cho biết, ông đã đưa cả gia đình về ở ngay tại dự án, con cái đang học trường quốc tế cũng về học trường làng để tránh lãng phí. Sau thời gian cắt giảm đến 30% chi phí hoạt động so với trước, tiến độ xử lý công việc đã được đẩy nhanh gấp 5 lần nhờ những nỗ lực của các thành viên toàn Tập đoàn.

Theo ông Hải, thị trường được quyết định bởi khách hàng, nhưng trong nhiều năm qua, thị trường BĐS Việt Nam phát triển quá dễ dàng khiến các doanh nghiệp quên mất vấn đề cốt lõi của thị trường là người tiêu dùng. Vì vậy, muốn người tiêu dùng quay trở lại thị trường thì không có gì khác hơn là chính doanh nghiệp phải tự thay đổi bằng cách làm ra những sản phẩm tốt, giá cả phù hợp với túi tiền của người dân.

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của các doanh nghiệp, các đại biểu cũng kiến nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật liên đến thị trường BĐS, xây dựng chỉ số thị trường BĐS làm nền tảng cho xây dựng chính sách và phân tích đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các công cụ tài chính trung và dài hạn cho thị trường như Quỹ tín thác đầu tư BĐS, Quỹ tái thế chấp nhà ở xã hội và thương mại

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.