Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục đã củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư
Tín dụng hỗ trợ tốt tăng trưởng kinh tế
“Thị trường tiền tệ năm 2017 khá ổn định. Tăng dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định giúp hỗ trợ xuất khẩu. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, xử lý nợ xấu nhanh hơn và triệt để hơn”, TS. Trương Văn Phước – quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) đã chỉ ra điểm nhấn trong bức tranh thị trường tài chính 2017 như vậy.
Tín dụng theo ngành nghề tập trung cao vào ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017 của NFSC cho thấy năm 2017, tín dụng tăng khoảng 18,7% -19,3% đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Tín dụng trung và dài hạn chiếm khoảng 53,7% tổng tín dụng. Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được chú trọng, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, tín dụng đã tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh, tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng giảm nhẹ, chỉ tăng 12,2% so với năm 2016 (năm 2016 tăng 17,1% so với năm 2015). Tín dụng theo ngành nghề tập trung cao vào ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ khác tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%), giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện.
Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm khoảng 8,11% tổng tín dụng), góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh với mức tăng khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%). Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro đã được kiểm soát rất chặt theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN.
Điều hành tín dụng của NHNN đã được thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng đã rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng.
“Thị trường tiền tệ năm 2017 khá ổn định. Tăng dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định giúp hỗ trợ xuất khẩu. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, xử lý nợ xấu nhanh hơn và triệt để hơn”, TS. Trương Văn Phước – quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) đã chỉ ra điểm nhấn trong bức tranh thị trường tài chính 2017 như vậy.
Lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào
Bổ sung thêm những tích cực của thị trường tiền tệ, ông Nguyễn Văn Thùy (Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp – NFSC) cho rằng: Lãi suất ngân hàng đã có tín hiệu giảm, thanh khoản tương đối ổn định. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh cho nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Trong năm 2017 NHNN đã thực hiện đồng bộ các công cụ để giảm lãi suất điều hành, qua đó các TCTD đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Nhiều TCTD áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm; triển khai chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm.
Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tuy chưa được như kỳ vọng nhưng theo NFSC: đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, xử lý nợ xấu nhanh hơn và triệt để hơn, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Hệ thống ngân hàng đã tự xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Các TCTD đã hạn chế chuyển nợ sang VAMC, đã tự xử lý nợ xấu qua hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm và các hình thức khác được đẩy nhanh hơn. Việc xử lý nợ xấu có được thuận lợi hơn do khung khổ pháp lý đã được bổ sung với Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu mới được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên yếu tố quan trọng là toàn hệ thống ngân hàng đã rất chủ động và quyết liệt trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Một thành công nữa trong điều hành chính sách tiền tệ cũng được thể hiện trong báo cáo của NFSC khi báo cáo này nhận định thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định giúp hỗ trợ xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục gần 52 tỷ USD. Bên cạnh tỷ giá ổn định là niềm tin vào tiền đồng vẫn được củng cố thể hiện ở huy động bằng VND tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu và ước tăng 18,4% so với năm 2016, chiếm 90,5% tổng vốn huy động. NFSC cũng đưa ra dự báo năm 2018 hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định thêm: Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm nhiều. Đặc biệt, việc tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.
Nhờ những giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng của NHNN, năm 2017 kết quả hoạt động kinh doanh của các TCTD khá khả quan. Chi phí của các ngân hàng đã giảm mạnh, trong đó đáng kể nhất là chi phí “mua vắc-xin” trị nợ xấu các năm trước khá cao thì 2017 đã giảm mạnh. Tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với năm 2016, ở mức 44,8%. So với năm 2016, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng tăng hơn 40%, lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44%, ông Phước cho biết.
Bên cạnh những đánh giá và ghi nhận tốt của NFSC và các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã nêu, thì những nỗ lực hành động của ngành Ngân hàng còn thể hiện ở quá trình thực hiện chỉ đạo theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Theo đánh giá của CIEM, ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, các TCTD đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, đơn giản hóa quy trình cho vay, công khai thủ tục vay vốn, cắt giảm các khoản phí không cần thiết... Nhờ đó, “chỉ số “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Đồng thời, NHNN năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết.
Những nỗ lực và kết quả tích cực của hoạt động ngân hàng trong năm qua đã góp phần quan trọng vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi giúp Chính phủ đạt tất cả các mục tiêu đặt ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế - một điểm sáng thành công của Việt Nam trong năm 2017.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lưu ý: về lý thuyết, lãi suất huy động giảm thì cho vay mới giảm nhưng vì nhiều lý do lãi suất huy động ở Việt Nam khó giảm. Năm 2017 có hiện tượng tốc độ lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Nếu ép lãi suất cho vay giảm thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng và rủi ro ngân hàng tiềm ẩn rủi ro sang lĩnh vực khác.
Trí Nhân (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.