Phân khúc bất động sản căn hộ có giá thấp và nhà ở được dự báo sẽ ấm lên khi Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này.
Thị trường căn hộ được kỳ vọng sẽ ấm lên nhờ tín dụng cho vay mua nhà được nới lỏng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, về vốn tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý, tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng này để cho những người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng... Dành hạn mức vốn từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng cho vay để hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhà nước.

Với chính sách này các chuyên gia cho rằng, khả năng sẽ kích cầu được khách hàng cá nhân vay mua bất động sản, song để thị trường thật sự ấm lên, lãi suất phải ở mức thấp và giá bất động sản ở phân khúc này cần điều chỉnh giảm thêm.

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để giải quyết được bài toán nợ xấu, nhất là ở lĩnh vực bất động sản, cần thiết có sự hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ nói trên cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Vì vậy, với khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng dự kiến được “bơm” vào phân khúc bất động sản nhà ở sẽ làm cho loại hình bất động sản này “ấm” lên trong năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Ngân, nguồn vốn này nên chỉ có lãi suất ở mức 5 - 6%/năm và phải chảy vào đúng đối tượng, đúng mục đích, nghiêm cấm các ngân hàng sử dụng nguồn tiền này cho vay kinh doanh bất động sản.

Khi được ưu đãi vay mua nhà, cầu về nhà ở được kích thích, giúp doanh nghiệp bất động sản giải phóng lượng hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ vay cho các ngân hàng.

“Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ nguồn vốn dài hạn, giá rẻ mới giải quyết được bài toán nợ xấu và nguồn vốn thu về cũng không làm tăng thêm dư nợ bất động sản”, ông Ngân nói.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamA Bank cũng nhận định, khả năng tín dụng bất động sản về nhà ở cho khách hàng cá nhân sẽ sôi động hơn trong năm 2013. Điều đó sẽ tác động tích cực lên thị trường nhà đất, nhưng khó có thể kỳ vọng sớm hồi phục ở phân khúc căn hộ cao cấp, cũng như đất nền dự án…

Đây cũng được xem là thời điểm tốt cho sản phẩm tín dụng mua nhà, vì lãi suất đang có chiều hướng giảm và nhu cầu mua nhà để ở luôn là một nhu cầu chính đáng và có thực.

“Rõ ràng, với chiều hướng lãi suất đi xuống hiện nay, thì đây là thời điểm rất tốt để đẩy mạnh sản phẩm cho khách hàng vay vốn mua nhà để ở”, một lãnh đạo của HSBC Việt Nam cho biết.

Hiện lãi suất dành cho khách hàng cá nhân ở phân khúc nhà ở được các ngân hàng thương mại ưu đãi nhiều ở 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, chỉ với mức ưu đãi ở giai đoạn đầu và sau đó sẽ điều chỉnh lãi suất theo mức thị trường thì chưa thu hút được khách hàng vay mua nhà để ở, vì dù có giảm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 3 triệu tỷ đồng, trong đó, riêng với khu vực TP. HCM là 1 triệu tỷ đồng, thì mức vài chục nghìn tỷ đồng của các gói hỗ trợ lãi suất mà các ngân hàng tung ra hiện nay chưa thấm vào đâu đối với phân khúc nhà ở. Vì thế, cần thiết phải có sự hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ Ngân hàng Nhà nước thông qua khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo Thùy Vinh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.