Văn bản mới nhất mà NHNN đưa ra hạn chế tín dụng ngoại tệ đó là Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú.
Các chính sách hiện tại của NHNN hướng tới việc thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ
Cụ thể, các TCTD chỉ được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước, khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay đến hết ngày 31/3/2019. Còn đối với cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay cũng chỉ thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Lãnh đạo NHNN chia sẻ, việc ban hành Thông tư 42 nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. “Các chính sách hiện tại của NHNN hướng tới việc thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán. Và NHNN sẽ đẩy mạnh hoạt động này trong năm 2019”, lãnh đạo NHNN khẳng định.
Thông điệp trên của cơ quan quản lý thể hiện sự quyết tâm thực hiện lộ trình giảm dần và tiến đến chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ tại các NHTM. Còn nhớ thời điểm NHNN đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN về quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (nay là Thông tư 42) đối với khách hàng là người cư trú thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư với nhiều luồng ý kiến.
Cũng có ý kiến cho rằng kéo dài thời gian đối với cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu đến hết tháng 6/2019 và cho vay trung, dài hạn để thanh toán nhập khẩu đến hết tháng 12/2019. Nhưng tại Thông tư 42, NHNN vẫn kiên định với các mốc thời gian mình đưa ra tại dự thảo. Chia sẻ thêm về các mốc thời gian tại Thông tư 42, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, chiểu theo các quy định, NHNN có thể yêu cầu các TCTD dừng luôn hoạt động cho vay ngoại tệ đối với hai đối tượng trên vào cuối tháng 12/2018.
Nhưng NHNN đã gia hạn thêm thời gian để DN, thị trường thích nghi trước khi tiến đến việc chấm dứt hẳn cho vay ngoại tệ. Mốc thời gian đưa ra phù hợp với chu kỳ kinh doanh của các DN. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để cho NHNN thực hiện chủ trương này khi tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm, dự trữ ngoại tệ đang ở mức cao, tỷ giá duy trì ổn định…
“Tới đây, NHNN làm quyết liệt đối với chủ trương trên và sẽ không nhân nhượng thêm. Hay nói cách khác, không để con bệnh bị nhờn thuốc”, vị này nhấn mạnh.
Đa số quan điểm từ giới chuyên môn đều ủng hộ chủ trương siết chặt dần tín dụng ngoại tệ. Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ nêu thực tế, thời gian qua đã diễn ra tình trạng các DN có ngoại tệ, song lại quy đổi ra tiền đồng và mang đi gửi tiết kiệm, trong khi đi vay USD có lãi suất thấp hơn tạo sự không công bằng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực khác. Không những vậy, để tình trạng đô la hóa có thể gây khó cho việc kiểm soát cung tiền, lòng tin của người dân đối với đồng VND làm giảm hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ nhất là đối với chính sách tỷ giá…
“Tuy không còn diễn ra phổ biến, nhưng hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ vẫn còn. Trong khi đó biến động tài chính toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp khó lường tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá, gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô”, một chuyên gia ngân hàng cảnh báo.
Đáng chú ý, đây là một trong những mục tiêu chống tình trạng đô la hóa và lượng hóa con số cụ thể tại Quyết định 986 của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, theo mục tiêu Chiến lược là giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc tách bạch các quy định về cho vay ngoại tệ, cũng như đưa ra lộ trình cụ thể chấm dứt việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn, trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ… tại Thông tư 42 là rất đúng đắn. Dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam được cải thiện đáng kể sau khi NHNN đã mua được 8,35 tỷ USD kể từ đầu năm để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, nhưng nếu so với các nước lớn trên thế giới vẫn còn khá mỏng. Hơn thế, thanh khoản ngoại tệ nhạy cảm hơn so với nội tệ.
“Chủ trương NHNN vẫn chấp thuận cho vay ngoại tệ chủ yếu là để đảm bảo nhu cầu thanh toán thương mại và hoạt động này diễn ra trong thời gian ngắn. Thực tế, phần lớn tiền gửi ngoại tệ là ngắn hạn. Còn vay trung, dài hạn thường phần nhiều là đầu tư. Nếu mà đầu tư thì các DN phải tự lo, tìm ở các kênh khác không thể dựa dẫm vào ngân hàng được”, vị này bổ sung thêm quan điểm đồng tình đối với chủ trương mới về cho vay ngoại tệ.
Đồng tình với lộ trình chính sách hạn chế tình trạng đô la hóa nhưng một lần nữa, TS. Cấn Văn Lực muốn đề xuất NHNN tính toán xem Việt Nam nên duy trì tỷ lệ đô la hoá ở mức nào phù hợp. Từ đó đưa ra các giải pháp cho phù hợp để đạt mục tiêu đề ra. “Đây là vấn đề không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy, NHNN nên có giải thích, giải trình minh bạch, cụ thể để Chính phủ, DN, người dân hiểu và đồng thuận”, TS. Lực lưu ý thêm.
Với sự kiên định thực hiện chủ trương, lộ trình chống đô la hóa của NHNN giới chuyên môn cũng khuyến cáo, các DN nên chủ động tìm nguồn vốn giá rẻ từ công cụ tài chính khác như phát hành trái phiếu, tận dụng vốn của các đối tác thương mại… để không rơi vào tình thế khó khăn khi ngân hàng chấm dứt hoàn toàn vay ngoại tệ.