Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng ngoại tệ là “con dao hai lưỡi”, có thể mang lại lợi ích rất nhanh đồng thời cũng có thể làm “đứt tay” người sử dụng nó bất cứ lúc nào.
Trước hết, khi tỷ giá ngoại hối được giữ ổn định, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay bằng VNĐ thì lựa chọn phương án vay bằng ngoại tệ là hợp lý đối với doanh nghiệp (DN). Khi đó, chi phí tài chính của DN thấp, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh tăng lên. Rất có thể xảy ra tình trạng DN có quan hệ thân thiết với NH sẽ vay bằng USD, sau đó bán USD lấy VNĐ đem gửi tiết kiệm để “ăn” chênh lệch giá.
Tuy nhiên, mặt trái của tín dụng ngoại tệ không thể không quan tâm: Khi tỷ giá biến động (phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố khách quan) theo xu hướng VNĐ mất giá thì khả năng trả nợ của DN đối với khoản vay bằng ngoại tệ rất khó khăn, đặc biệt với những DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ. Khi đó, một cuộc “săn lùng” ngoại tệ trên thị trường sẽ đẩy tỷ giá lên cao, thậm chí từng giờ trong ngày. Khi tỷ giá tăng, do chênh lệch tỷ giá, hiệu quả kinh doanh sẽ giảm rất mạnh.
Ví dụ: Một DN vay 100.000 USD, tỷ giá tại thời điểm vay là 20.000 VNĐ/USD, số tiền vay tương đương 2 tỷ đồng, thời hạn vay 6 tháng. Tới khi trả nợ NH, tỷ giá là 22.000 VNĐ/USD, DN phải chi 2,2 tỷ VNĐ để mua 100.000 USD trả nợ. Chênh lệch tỷ giá là 200 triệu đồng, bằng 10% giá trị khoản vay lúc đầu. Kinh doanh trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt như hiện nay, lợi nhuận đạt tới 10% giá vốn đã là cao. Song, số lợi nhuận đó (nếu có) đã bị chênh lệch tỷ giá “nuốt” mất. DN sẽ ra sao?
NHNN đã có nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu chống tình trạng “đôla hóa” nền kinh tế. Song, nếu cho phép và khuyến khích tín dụng ngoại tệ, tình trạng “đôla hóa” nền kinh tế sẽ bùng phát trở lại. Thiết nghĩ, NHNN cần có ngay những biện pháp nhằm hạn chế tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ.