Lãi suất vay giữa các ngân hàng với nhau tiếp tục hạ thấp ở những kỷ lục mới, một điều tưởng như nghịch lý đang tồn tại là ngân hàng dư tiền nhưng lãi suất lại không hạ và doanh nghiệp thì khó tiếp cận vốn vay rẻ.

Vốn ngắn hạn thừa lớn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần từ 7/5 đến 11/5/2012, lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng giao dịch bằng VND tiếp tục giảm so với thời gian trước đó. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 6,73%/năm, 2 tuần 5,21%, 3 tuần 7,72%, 2 tháng 8,32%, 3 tháng 12,24%…

Đây là lãi suất bình quân thống kê bởi NHNN, còn theo tìm hiểu của ĐTCK, lãi suất cho vay thông thường (với khách hàng tốt) trên thị trường này còn thấp hơn nhiều với lãi suất qua đêm là 3%/năm, 1 tháng là 6%, 3 tháng là 9%, 6 tháng là 10%/năm.

Theo chủ tịch HĐQT một NHTM thì lãi suất qua đêm cho vay giữa các ngân hàng đã thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, còn lãi suất kỳ hạn 3 tháng thì thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay.

Cũng theo vị lãnh đạo này thì tình trạng “thừa vốn” với biểu hiện như trên là do từ đầu năm đến nay, NHNN đã tung một lượng lớn tiền đồng để mua USD của các ngân hàng để tăng dự trữ, và do điều kiện thị trường, các ngân hàng chưa thể “tiêu hóa” hết lượng tiền bơm ra này.

Trên thực tế, NHNN đã làm một số động tác để hút tiền về mà cụ thể là phát hành tín phiếu bán cho các ngân hàng. Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/2012, NHNN đã phát hành tín phiếu hút về 51.431 tỷ đồng (kỳ hạn 28 ngày, 91 ngày, 182 ngày với lãi suất từ 6,2% - 12,5%/năm). Tính chung trong tháng 4 vừa qua, tổng lượng vốn NHNN hút về ở nghiệp vụ repo và tín phiếu là 53.338 tỷ đồng. Những biểu hiện như trên cho thấy, dường như các ngân hàng thừa một lượng đáng kể vốn khả dụng, nhưng lãi suất lại “không chịu hạ” cho các doanh nghiệp.

“Đúng là tiền đang có nhiều, nhưng dư thừa chủ yếu tại kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng trở xuống còn nguồn vốn dài hạn 4 tháng trở lên là đã hiếm. Và câu chuyện của doanh nghiệp là không thể vay qua đêm mà phải ít nhất là 3 tháng trở lên”, vị chủ tịch HĐQT trên nêu quan điểm.

Lãi suất thấp sẽ không nhiều

Câu chuyện điều hành nguồn vốn của các ngân hàng, những khái niệm vốn ngắn hạn, dài hạn, kỳ hạn - lãi suất,… nhiều khi tạo một sự hiểu lầm cho doanh nghiệp kiểu như ngân hàng cho vay lẫn nhau thì rất rẻ (lãi suất liên ngân hàng), còn cho doanh nghiệp vay thì rất đắt, hầu hết trên 15%/năm, hoặc như các ngân hàng thừa vốn mà không chịu hạ lãi suất...

Theo tổng giám đốc một NHTM, điều hành vốn tại một ngân hàng có nhiều nghiệp vụ phức tạp, nguồn vốn huy động của các ngân hàng thì rất nhiều loại với chi phí khác nhau. Nhưng nguồn sử dụng để cho vay doanh nghiệp chủ yếu từ huy động dân cư và từ chính nguồn tạm thời nhàn rỗi mà doanh nghiệp đang gửi tại ngân hàng.

“Hiện cả hai nguồn này ngân hàng đang phải trả lãi suất ở khoảng 12%/năm cho người gửi, cộng chi phí dự trữ bắt buộc, cộng chi phí của ngân hàng, lãi dự kiến,… thì đương nhiên lãi cho vay phải trung bình từ 15%/năm trở lên”, vị tổng giám đốc trên cho biết.

Theo một chuyên gia ngân hàng, nói như trên có nghĩa là 15%/năm được hiểu là vùng lãi suất thấp nhất mà các ngân hàng có thể cho vay ra, về nguyên lý thì số vốn mà các ngân hàng dành cho vay ở mức lãi trên sẽ không nhiều. Theo yêu cầu về trần lãi vay của NHNN vừa qua với 4 nhóm doanh nghiệp ưu tiên, các ngân hàng chắc chắn chỉ dành lượng vốn lãi suất thấp không nhiều này phục vụ nhóm khách hàng ưu tiên, còn các đối tượng khác vẫn phải chấp nhận lãi vay cao hơn.

Thực tế thị trường đang phản ánh điều này. Trao đổi với ĐTCK, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở Đồng Nai cho biết, tại thời điểm NHNN tuyên bố hạ lãi suất xuống 17%/năm, ông đến ngân hàng đáo hạn khoản vay trước đó 20,5%/năm để chuyển sang khoản vay mới nhưng ngân hàng từ chối và vẫn để mức lãi suất cũ. Tệ hơn, chiểu theo hợp đồng ký với ngân hàng là 3 tháng điều chỉnh lãi suất một lần, nhưng cho dù NHNN điều chỉnh lãi suất đến 2 lần mà ngân hàng vẫn từ chối điều chỉnh lãi suất cho vay.

Vị giám đốc này cũng cho biết, trong thông tin ông nắm được thì vay vốn với lãi suất 15%/năm thực tế trên địa bàn của ông hiện chỉ có tại Agribank và BIDV, nhưng không dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này bởi hai ngân hàng cho vay đều dựa trên nguyên tắc cụ thể. Ví dụ, đối với Agribank, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp; đồng thời phải có quan hệ tín dụng 100% với ngân hàng như chuyển khoản, trả lương…

“Nếu ai từng điều hành doanh nghiệp và từng đi vay vốn ngân hàng thì sẽ biết điều kiện trên là không hề dễ dàng”, vị giám đốc này nói.

Ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc thường trực Maritime Bank cho biết, triển khai Thông tư quy định trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên ở mức 15%/năm của NHNN tại Maritime Bank chỉ dành cho doanh nghiệp thuộc 4 nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên mà đạt một số tiêu chí do Ngân hàng định nghĩa. Cụ thể, doanh nghiệp trong 12 tháng vừa qua không có nợ xấu tín dụng; có báo cáo kiểm toán; áp dụng cho nhóm khách hàng A, 2A, 3A theo hệ thống đánh giá thương hiệu nội bộ của Ngân hàng.

“Tín dụng cần quá trình lâu dài, do vậy để có cơ sở khách hàng tốt cho trung và dài hạn phải có chiến lược không thể đi theo phương pháp tình thế không thể hôm nay thích, thấy có lợi thì làm, mai không thích thì không làm. Do đó, Maritime Bank ước tính khoảng độ từ 8-10% khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp cận được lãi suất vay 15%/năm của Ngân hàng”, ông Quảng nhấn mạnh.

Cần giải pháp khác ngoài lãi suất

Lãi suất thấp là điều mong muốn của doanh nghiệp giúp họ có chi phí vay rẻ hơn, nhưng theo các cuộc khảo sát gần đây, điểm trọng yếu để giúp doanh nghiệp qua khó khăn không còn là tín dụng.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì cho biết, một tháng trở lại đây hàng tồn kho đã ở mức không phải là báo động mà là “thảm họa” với lượng tồn 100% dù đã cắt giảm sản lượng xuống 60% do hầu hết khách hàng hủy ngang hợp đồng vì cắt giảm sản xuất.

“Vấn đề là bán được hàng và tạo dòng tiền”, vị giám đốc này nhấn mạnh. “Khi lạm phát, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ lãi suất, còn khi kinh tế suy thoái sức mua như hiện nay, doanh nghiệp cầu cứu ở nhiều chính sách khác làm tăng sức mua của người dân”.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cả nước đang kỳ vọng quá nhiều vào NHNN, trong khi việc duy nhất NHNN có thể làm được chỉ là đẩy lãi suất xuống mà không thể áp lực lên các NHTM cho vay bởi các tiêu chuẩn của hệ thống. Trong khi các NHTM đang “vướng” vấn đề nợ xấu, cũng như siết chặt câu chuyện tín dụng mà doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh hiệu quả còn rất “mịt mờ”.

“Nhưng điều quan trọng là, NHNN nới chính sách tiền tệ một cách bạo tay sẽ đưa đến rủi ro lạm phát quay trở lại, rủi ro này rất lớn bởi bơm tiền rẻ ra thị trường khi doanh nghiệp không hấp thụ được sẽ làm lạm phát tăng rất nhanh”, TS. Hiếu cho biết.

“Chính sách tiền tệ đã đi vào ngõ cụt”, và theo TS. Hiếu, bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần phải được đẩy mạnh hơn như, giải ngân cho những chương trình đầu tư hợp lý để thúc đẩy sức mua trong nền kinh tế nhằm giải tỏa đầu ra. “Ngoài những giải pháp giảm thuế, giãn thuế cần thêm những giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn nữa”, ông nói.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.