21/01/2014 2:08 PM
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để phân biệt được khách hàng tốt, xấu không phải dễ dàng. Để hạn chế nợ xấu, ngân hàng không chỉ cần xem xét kỹ quá khứ của DN, mà phải dự báo được tương lai và triển vọng của DN.

Vừa qua, đã có nhiều vụ việc cho vay thế chấp bằng hàng hóa xảy ra rủi ro, khiến nhiều ngân hàng lo ngại và hạn chế rót vốn. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Nếu sợ rủi ro mà ngân hàng đóng cửa không cho vay thế chấp bằng hàng hóa thì khoảng 70% tín dụng phải dừng lại và quay sang cho vay bất động sản và như vậy, sản xuất - kinh doanh không thể phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi rủi ro nợ xấu gia tăng, DN khó khăn và hết tài sản để thế chấp, yêu cầu trước hết đối với ngân hàng là phải lựa chọn được khách hàng tốt. Nhưng trong lúc này, để lựa chọn được khách hàng tốt đối với ngân hàng cũng không phải dễ dàng và có nhiều thách thức. Bởi tình hình tài chính của DN không được mạnh trong bối cảnh thị trường có khó khăn, song những khách hàng này đang có cơ hội để phát triển kinh doanh trở lại, nên ngân hàng không thể không tái cho vay, hỗ trợ vốn cho DN.

Thực tế, ngay cả với khách hàng tốt, nhưng trong tương lai vẫn có thể gặp khó khăn trong kinh doanh. Nếu lúc này, ngân hàng không quản lý chặt chẽ, dễ tạo điều kiện cho DN làm sai quy định như rút hàng hóa trong kho để bán. Thực tế cho thấy, một số DN trước đây đi vay với lãi suất thấp, song ở giai đoạn 2011-2012 lãi suất tăng cao, họ đã chủ động lấy hàng hóa bán ra để trả lãi vay ngân hàng. Lúc này, tài sản thế chấp không còn đủ như cam kết lúc đầu.

Vậy theo ông, ngân hàng cần phải làm gì để tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi cho vay thế chấp hàng hóa?

Theo tôi, trước bối cảnh thị trường khó khăn, khi cho vay thế chấp bằng hàng hóa, ngân hàng cần phải có biện pháp quản lý hàng hóa tốt. Nhưng để quản lý hàng hóa tốt, ngân hàng phải lựa chọn và đánh giá đúng chất lượng hàng hóa; cam kết đúng pháp lý ràng buộc và khâu quan trọng nhất là phải có nơi quản lý hàng hóa một cách an toàn.

Lâu nay, khi cho DN vay vốn bằng tài sản thế chấp là hàng hóa thì chủ yếu hàng hóa thế chấp được để tại kho của DN, biện pháp này còn khá lỏng. Ngoài ra, hàng hóa thế chấp có thể để ở kho của bên thứ ba. Tuy nhiên, bản thân chủ kho cũng không mấy uy tín. Từng có trường hợp, chủ kho tẩu tán hàng hóa trong kho là tài sản thế chấp khoản vay ngân hàng của một DN khác. Vì thế, tôi cho rằng, việc lựa chọn một chủ kho uy tín, an toàn để gửi tài sản đảm bảo là yếu tố quan trọng. Khi hàng hóa được quản lý tốt thì ngân hàng cũng sẽ an tâm hơn trong quá trình cho DN vay. Với biện pháp này, không chỉ ngân hàng mà DN cũng sẽ có lợi vì có thể sẵn sàng cho DN vay thực hiện kế hoạch mới.

Lãi suất cho vay thấp nhất với khách hàng DN tại OCB hiện là7-8%/năm

Theo ông, cái khó nhất trong việc nhận diện rủi ro khách hàng năm nay là gì?

Để hạn chế được rủi ro nợ xấu, ngân hàng phải có khả năng lựa chọn khách hàng tốt. Để lựa chọn được khách hàng tốt, đòi hỏi ngân hàng phải có một quá trình đánh giá, thẩm định tín dụng chặt chẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để phân biệt khách hàng tốt, xấu không phải việc dễ dàng. Vì có thể khách hàng đang có dự án kinh doanh tốt, nhưng trong quá khứ họ gặp khó khăn. Do đó, nếu ngân hàng bỏ qua không cho vay sẽ mất cơ hội kinh doanh, nên trong quá trình đánh giá, không những chỉ đánh giá quá khứ của khách hàng mà ngân hàng còn phải dự báo được tương lai và triển vọng phát triển của nền kinh tế cũng như khách hàng. Mặt khác, hệ thống quản lý tín dụng cũng phải được thực hiện tốt, không chỉ quản lý được tài sản đảm bảo là hàng hóa, mà còn quản lý được tình hình tài chính, kinh doanh của khách hàng. Như vậy, ngân hàng mới hạn chế được rủi ro nợ xấu.

Đánh giá của ông như thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng năm nay?

Tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ theo định huớng tăng trưởng tín dụng chung của NHNN. Mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng NHNN đưa ra cho năm nay là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Mục tiêu không phải là quá đột phá, nhưng ở mức độ hợp lý để khách hàng, nhất là các DN phát triển.

Theo ông, lãi suất cho vay DN có điều chỉnh giảm thêm trong thời gian tới?

Mặt bằng lãi suất trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ ổn định như hiện nay. Nhưng có thể do sức ép cạnh tranh, các ngân hàng sẽ có các chương trình ưu đãi lãi suất ngắn hạn để thu hút khách hàng, mở rộng tín dụng. Đơn cử như chương trình hợp tác với ICB Tân Cảng - Long Bình, lãi suất sẽ được OCB giảm ít nhất 1 - 2%/năm so với lãi suất thị trường. Hiện lãi suất cho vay thấp nhất tại OCB là 7 - 8%/năm với DN.

Thùy Vinh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.