Tiểu thương tụ tập trước trụ sở của HUD phản đối việc tăng giá thuê kiốt - Ảnh: THU HẰNG
Lý do, theo người dân, chủ đầu tư xây dựng các kiốt thuộc Bộ Xây dựng đã liên tục tăng giá thuê khiến họ không đủ khả năng chi trả, làm ăn thua lỗ.
Theo bà Lê Thị Vân Bình (một khách hàng của HUD), liên tiếp trong các năm 2012, 2013 đến nay, HUD tăng giá thuê kiốt lên gấp 2-3 lần so với giá cũ. Từ 45.000 đồng/m2 lên tới 180.000 đồng/m2, thậm chí có nơi còn lên tới 250.000m2.
“Giá cho thuê này cao hơn quy định của UBND TP Hà Nội và cao hơn các khu đô thị ở các dự án khác khiến việc kinh doanh của bà con lao đao, thu không đủ bù chi”, bà Bình phản ảnh.
Bà con tiểu thương cũng cho rằng việc quản lý, vận hành các kiốt hiện nay theo quy định của UBND TP là thuộc về ban quản trị tòa nhà chứ không phải thuộc về công ty con thuộc HUD là Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS).
Ngoài ra, lấy lý do việc tăng giá bất hợp lý, gần 100 tiểu thương chưa tiếp tục đóng tiền thuê kiốt cho HUDS.
“Chúng tôi chỉ đồng ý tiếp tục đóng tiền thuê khi đưa ra được mức giá thuê hợp lý, mặt khác tiền thuê này phải đóng về ban quản trị để làm kinh phí duy tu, vận hành tại các dự án chứ không thể đóng về cho chủ đầu tư”, một tiểu thương khác cho hay.
Đỉnh điểm mới đây cho rằng việc các tiểu thương ngừng đóng tiền thuê kiốt là vi phạm hợp đồng, HUDS đã huy động lực lượng cưỡng chế, thu hồi một số kiốt của tiểu thương.
Nhiều kiốt tại khu đô thị Linh Đàm hiện đang bị đóng cửa - Ảnh: LÂM HOÀI
Trả lời về các kiến nghị của tiểu thương, ông Bùi Hoàng Kiều - tổng giám đốc HUDS - khẳng định trong tất cả các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ở các khu đô thị của HUD, phần các kiốt không được tính vào giá do đó các kiốt vẫn thuộc sở hữu của HUD chứ không phải thuộc sở hữu chung của cư dân.
“Việc này Bộ Tài nguyên - môi trường đã có công văn nêu rõ “phần diện tích sàn sử dụng để làm kiốt vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư”. Ngoài ra Bộ Xây dựng đã có quyết định về ghi tăng giá trị tài sản của Nhà nước là phần tầng 1 của các chung cư cao tầng, Thanh tra bộ cũng đã khẳng định quyền sở hữu của nhà nước, quyền quản lý và khai thác của HUDS đối với các kiốt, siêu thị tầng 1 của các nhà cao tầng do HUD là chủ đầu tư. Do đó người dân nói thuộc quyền sở hữu của cư dân là không có cơ sở”, ông Kiều khẳng định.
Về việc tăng giá cho thuê, ông Kiều thừa nhận HUDS có tăng giá, tuy nhiên đây là giá “sát với thị trường”.
Theo ông Kiều, trước năm 2013 HUDS cho thuê giá thấp, tuy nhiên sau đó HUD đã yêu cầu phải cho thuê sát với giá thị trường nhằm “tránh thất thoát doanh thu cho nhà nước”. Giá thuê mới đã được hầu hết khách hàng trong tổng số 400 kiốt cho thuê đều đồng ý, chỉ còn khoảng 80 khách hàng là chưa thống nhất.
Về khó khăn của các tiểu thương, ông Kiều nói “rất chia sẻ” vì được biết nhiều khách hàng đã phải chi hàng trăm triệu đồng để nhận chuyển nhượng kiốt từ những người kinh doanh trước.
“Đây là những giao dịch ngầm mà HUDS không nắm được từ đầu, nhưng nếu vì thế mà cho thuê kiốt giá thấp sẽ gây thất thoát cho nhà nước”, ông Kiều nói. Đồng thời khẳng định tất cả tiền khai thác từ các kiốt đều được HUDS sử dụng đúng mục đích vào các hoạt động bảo trì, duy trì, tái sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về hướng giải quyết tới đây, ông Kiều nói HUDS vẫn tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các tiểu thương thuê kiốt kinh doanh. Tuy nhiên với những tiểu thương chây ì đóng tiền thuê kéo dài, HUDS sẽ thu hồi để cho khách hàng khác thuê.