02/02/2016 1:21 PM
Năm 2015, ngành Thuế khép lại với những kết quả đạt được rất khích lệ nhờ nhiều chính sách, chế tài gắt gao với số lượng DN chây ì thanh, quyết toán nghĩa vụ thuế. Rõ nhất, tại địa bàn Hà Nội, sau gần 10 đợt công khai danh tính “chúa chổm”, tới tháng 1/2016, Cục Thuế đã thẳng tay áp dụng “treo” hóa đơn với hàng loạt đơn vị.

Trong đó, chiếm tỷ trọng đáng kể là những DN thuộc lĩnh vực xây dựng – đầu tư BĐS. Đáng chú ý, có trường hợp từng bị cơ quan chức năng bêu tên từ nhiều tháng trước. Năm nay, dự báo sẽ nhiều sóng gió cho DN trong hoạt động chấp hành pháp luật thuế liên quan.

“Sự cố” đầu năm

Với tuổi đời nửa thế kỷ, Icon 4 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) cổ phần hóa từ 2006. Năm 2008, Icon 4 (công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4) bắt đầu “nổi” trên thị trường BĐS nhờ các dự án tiêu điểm: Sân Golf Tam Đảo, tòa nhà đa năng Icon 4 Tower (Hà Nội), khu nhà ở văn phòng cao cấp 354 Đội Cấn, KĐT Trung Văn. Tuy nhiên, bắt đầu từ giai đoạn BĐS lao dốc, Icon 4 không còn được giới đầu tư nhắc tới như một thương hiệu mạnh.

Khá bất ngờ, “đứa con” của Tổng Xây dựng Hà Nội bị thông báo cưỡng chế hóa đơn không còn giá trị sử dụng vào 21/1 vừa qua. Cụ thể, theo văn bản của Cục Thuế Hà Nội, “áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng để thi hành Thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp”...

Lý do, Icon 4 nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn nộp thuế. Áp dụng thi hành trong 1 năm (từ 25/1/2016 đến 24/1/2017). Chi tiết, hơn 1.000 hóa đơn GTGT (số hóa đơn tồn chưa sử dụng theo dữ liệu tại Cục Thuế) bị vô hiệu hóa nếu DN xuất sử dụng từ 25/1.

Tham chiếu hoạt động kinh doanh, khai thác hiện tại của Icon 4, DN đang có “của để dành” là nắm quyền quản lý tòa nhà Icon 4 Tower (Đê La Thành, Hà Nội), đã hoàn thành và đi vào khai thác nhiều năm qua. Đồng thời, trong năm qua, Icon 4 được biết tới trong các thương vụ: chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án thành phẩm gắn với quyền sử dụng khu đất N01-T5 khu Ngoại giao đoàn tại Hà Nội (đối tác công ty CP Đầu tư Lạc Hồng); nắm giữ vai trò chủ đầu tư (duy nhất) tại dự án Trung Văn…

Như vậy, với khá nhiều hạng mục công việc đang chờ thực hiện đầu tư, việc bị cơ quan Thuế thông báo treo hóa đơn vì nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp… sẽ là áp lực đáng kể với Icon 4 ngay trong 12 tháng tới đây. Chưa kể, cuối tháng 12/2015, DN đã lên kế hoạch vay hàng chục tỷ đồng của một NHTM.

Chưa rõ kết quả kinh doanh 2015 của Icon 4 ra sao, nhưng trước sự kiện DN bị treo hóa đơn, nhà băng sẽ không dễ dàng “gật đầu” với đề nghị vay ngắn hạn của đơn vị này nếu không có các tài sản đảm bảo, bảo lãnh giá trị.

Theo giới thiệu của Icon 4, danh mục đầu tư của DN có nêu: dự án đầu tư KĐT mới Trung Văn có tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng, thời gian 2007-2010; tổ hợp nhà văn phòng, căn hộ bán và cho thuê tại 343-345 Đội Cấn (quận Ba Đình) ghi nhận tổng đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian 2009-2013…

Danh sách đen trải dài

Không riêng các đơn vị trong nước, DN nước ngoài tham gia trong ngành xây dựng cũng gặp vấn đề về nghĩa vụ thuế. Công ty TNHH Sam Ku E&C Vina là công ty 100% vốn Hàn Quốc (trụ sở Mỹ Đình, Hà Nội).

Được thành lập từ 2009, công ty này khá nổi trong giới xây dựng với loạt dự án đã (và đang) triển khai tiêu biểu như: cao tốc Thăng Long – Nội Bài, dự án nhà máy nhiệt điện Mông Dương, dự án cảng Sơn Dương Hà Tĩnh, nhà máy SamSung 2…

Tháng 12/2015, Cục Thuế Hà Nội công bố danh sách nợ thuế đợt VI, trong đó có nhắc tới Sam Ku E&C Vina (nợ 6,2 tỷ đồng). Khi đó, đại diện cơ quan chức năng khuyến cáo: “Những đơn vị còn nợ thuế cần thu xếp nguồn tài chính và khẩn trương nộp nợ vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn”.

Đến 21/1, Cục Thuế Hà Nội thông báo áp dụng cưỡng chế (bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng) với SamKu E&C Vina. Theo đó, với lý do nợ tiền thuế, tiền phạt, chậm nộp quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn nộp thuế, DN này bị “treo” hóa đơn GTVT trong 1 năm (từ 23/1/2016 tới 22/1/2017).

Theo thông tin công khai từ cơ quan Thuế, tháng 1 còn chứng kiến rất nhiều DN ngành xây dựng bị áp dụng chế tài hóa đơn. Đáng chú ý, sau thời gian trong năm với nhiều “ông lớn” bị bêu tên nợ thuế, năm 2016 khởi đầu bằng đủ trường hợp DN thuộc dạng “ít người biết tới” (vì thương hiệu hoặc quy mô) bị… sờ gáy.

Công ty CP Xây dựng và thương mại VT là một điển hình. Ngày 15/1, cơ quan Thuế Hà Nội thông báo vô hiệu hóa đơn GTGT của DN VT (ngành nghề kinh doanh là xây dựng nhà các loại) với lý do: chưa chấp hành nộp hết tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp.

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.