15/09/2019 9:19 AM
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sau 8 tháng năm 2019 mới đạt 37,92%. Nguyên nhân, vướng mắc có nhiều, nhưng tựu trung lại, dù chính sách có hoàn thiện, sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc đến đâu nhưng khâu tổ chức thực hiện, con người thực hiện không đồng bộ thì kết quả cuối cùng cũng không được như mong đợi.

Còn đơn vị chưa giải ngân đồng nào

Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 8 tháng năm 2019 đạt hơn 161.286 tỷ đồng, bằng 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (45,57%).

Nhìn cụ thể hơn vào các con số có thể thấy, vốn trong nước là hơn 152.522 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ mới đạt 23,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 36,47% kế hoạch giao. Vốn ngoài nước giải ngân đạt hơn 8.748 tỷ đồng, bằng 19,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 27,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của cùng kỳ năm 2018.

Theo Bộ Tài chính, có 5 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%. Đáng chú ý là: Hải Dương đạt hơn 85%, Ninh Bình đạt hơn 82%, đạt hơn 70% là Hưng Yên, Thanh Hóa, Phú Yên. Khối các bộ, ngành, cao nhất là Hội Nhà văn Việt Nam (hơn 83%), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hơn 80%), Ngân hàng Chính sách xã hội (hơn 78%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng giải ngân đều đạt hơn 73%. Tuy nhiên, có đến 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Đặc biệt, khối các địa phương mặc dù thấp nhưng cũng ở ngưỡng từ hơn 15% đến hơn 35%. Vẫn còn có các bộ, ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào, cá biệt như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Có bộ, ngành gần như chưa giải ngân (giải ngân dưới 1%). Với những bộ có kế hoạch vốn giao lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn.

Tóm lại, đến thời điểm gần hết 3 quý của năm 2019, việc giải ngân các nguồn vốn vẫn còn rất chậm, không đạt mục tiêu.

Sau khi tổng hợp báo cáo, Bộ Tài chính đã tổ chức kiểm tra thực tế tại một số bộ, ngành, địa phương về công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2018, 2019, qua đó thấy được nguyên nhân vướng mắc. Cụ thể như vướng mắc trong công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn. Một số dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA được trung ương phân bổ cao hơn số đã được chủ đầu tư đăng ký nhu cầu vốn; một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao vốn nên không thể giải ngân; phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án… Chính vì các vướng mắc nêu trên, một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng. Vì vậy, kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau.

Vướng mắc liên quan đến giai đoạn triển khai và thực hiện kế hoạch được cho là căn bệnh trầm kha nhiều năm nay bởi những nguyên nhân không mới, như: Chậm hoàn thiện thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán; công tác đấu thầu còn nhiều bất cập; giải phóng mặt bằng chậm; chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được kế hoạch vốn được giao… Một nút thắt lớn đối với việc triển khai các dự án đầu tư công hiện nay đó là giải phóng mặt bằng. Ở các tỉnh, thành phố, công tác giải phóng mặt bằng đều gặp khó khăn và chậm do các vấn đề liên quan tới việc xác định giá đền bù…

Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở

Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những bức xúc trong việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt.

Mới đây, công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2019. Giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là đến ngày 30/9 nếu dự án nào không có khả năng thực hiện, không giao được vốn thì sẽ bị thu hồi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho hay: Theo số liệu báo cáo tổng hợp được, cuối tháng 8 vừa qua còn 35 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ nhưng chưa đủ điều kiện để giao vốn, trên cơ sở cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 30/9 sẽ có báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ… Tất cả các giải pháp này đã đề cập nhiều lần trong các năm qua nhưng kết quả thực hiện vẫn vướng mắc.

“Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã rất tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trung bình khoảng 2 tháng, Bộ có công văn gửi trực tiếp tới các bộ, địa phương để đôn đốc, nhắc nhở, đốc thúc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết vốn, nhập Tabmis, thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư để đưa ra thanh toán... Bộ Tài chính cũng đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với các chủ đầu tư, các bộ, ngành để cùng trao đổi, tháo gỡ vướng mắc và đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn, đồng thời có kiến nghị các giải pháp, trong đó có giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đưa vào chỉ đạo thực hiện” – ông Tuấn Anh nói.

Trong bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên báo cáo cấp trên tiến độ triển khai và giải ngân của từng dự án; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiến độ giải ngân. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch, tránh để cuối năm mới điều chỉnh kế hoạch gây khó khăn cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, để kịp thời xử lý đối với kế hoạch còn lại các tháng cuối năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm có báo cáo về danh mục các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% và tự đề xuất phương án cắt giảm, điều chuyển.

Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến cả nước để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục công khai, “điểm mặt, chỉ tên” những đơn vị giải ngân chậm và điều chuyển vốn đối với những dự án chậm, muộn cho các dự án có nhu cầu và giải ngân vốn nhanh.

Hồng Vân (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.