Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chủ trương chống vàng hóa, đô la hóa của NHNN thời gian qua?
Một trong những điểm mới nhất của chính sách tiền tệ năm nay là duy trì tốt định hướng chống vàng hóa và đô la hóa. Gần đây, nhiều ý kiến phê bình chính sách quản lý vàng của NHNN, song phải hiểu rằng, mục tiêu của Chính phủ là chống vàng hóa, đô la hóa (xảy ra khi các ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng hoặc đô la, nghĩa là tạo ra bội số của tiền).
Theo lộ trình chống vàng hóa, đô la hóa của Chính phủ, tình trạng vàng hóa sẽ chấm dứt vào năm 2012, đô la hóa chấm dứt năm 2015. Lẽ ra, tình trạng vàng hóa đã chấm dứt vào ngày 25/11 vừa qua, nhưng đáng tiếc là vài ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản vàng, nên NHNN phải lùi đến ngày 30/6/2013. Song tôi cho rằng, NHNN đã duy trì chủ trương chống vàng hóa một cách nghiêm túc và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tôi hy vọng, chủ trương chống đô la hóa cũng sẽ được thực hiện quyết liệt như vậy.
Theo lộ trình, việc gửi và cho vay ngoại tệ cũng sẽ chấm dứt vào năm 2015, thưa ông?
Đúng vậy, có thể vào năm 2015 hoặc chậm một chút, sang năm 2016, song chắc chắn, thị trường sẽ chứng kiến việc giảm, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ. Bởi khi nhận tiền gửi bằng vàng hay ngoại tệ, có nghĩa Việt Nam đang bị chi phối bởi chính sách tiền tệ của Mỹ. Tất nhiên, người dân vẫn được mua bán vàng và ngoại tệ một cách thoải mái. Chính phủ chỉ cấm việc sử dụng vàng và ngoại tệ để thanh toán các dịch vụ nội địa, cấm nhận vàng, ngoại tệ là tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nếu không được mở tài khoản tiết kiệm ngoại tệ thì sẽ rất thiệt thòi. Khi nhận được ngoại tệ thanh toán, doanh nghiệp sẽ phải bán cho ngân hàng với giá rẻ, sau đó lại phải mua ngoại tệ với giá cao khi cần?
Trước mắt, doanh nghiệp vẫn có thể được duy trì tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ. Song tiến tới, tài khoản thanh toán này, theo tôi, cũng sẽ được loại bỏ, để khi ngoại tệ về sẽ phải sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái chuyển đổi ngay lập tức. Dĩ nhiên, quá trình chống đô la hóa cũng sẽ có lúc phải nhân nhượng vì các sức ép, song tôi hy vọng, đội ngũ truyền thông sẽ ủng hộ chủ trương này, để tháo gỡ các khúc mắc trong nhân dân và doanh nghiệp.
Tình trạng găm giữ ngoại tệ đã giảm, nhưng với vàng, tâm lý tích trữ đã trở thành thói quen lâu đời của người dân. Nếu NHNN chuyển sang quan hệ mua - bán mà không còn duy trì hình thức tiết kiệm như trước, liệu có huy động được hàng trăm tấn vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế?
Chúng ta phải huy động bằng cách khác, chứ không phải cách đó. Phải huy động theo cách để cho ngân hàng và người dân mua bán tự do. Ví dụ khi thừa tiền, ngân hàng sẽ mua vàng và khi giá vàng lên, họ lại bán. Theo cách này, vàng được chuyển đổi thành tiền rất nhanh bằng quan hệ mua - bán, chứ không phải dùng tài khoản tiền gửi.
Việc sử dụng tài khoản tiền gửi (huy động tiết kiệm bằng vàng) rất nguy hiểm, vì khi vàng nằm trong tài sản của ngân hàng thương mại, nếu giá vàng tăng, tài sản của ngân hàng sẽ giảm sút nhanh chóng, khiến nợ xấu lên tới hàng ngàn tỷ đồng như đã xảy ra thời gian qua. Không có ngân hàng nào ở châu Âu huy động vàng. Người dân sợ mất trộm thì mang đến ngân hàng gửi ở két an toàn, phải mất phí. Tất nhiên, để người dân bán vàng, biến vàng thành tiền, điều đầu tiên là phải giảm lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao giá trị tiền đồng, tạo niềm tin cho người dân. Còn nếu lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế, người dân sẽ có tâm lý trốn chạy vào vàng.