Được biết, các thôn Quan Nam 2, Quan Nam 5, Trung Sơn (xã Hòa Liên) nằm trong vùng của 2 dự án là “Khu nhà ở liền kề cho công nhân, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng” và “Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú”. Trong đó, dự án “Khu nhà ở liền kề cho công nhân, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng” ở thôn Trung Sơn (Hòa Liên) được công bố từ năm 2006, nhưng bị "treo" đến tận năm 2011 mới công bố lại. Tiến độ của dự án chậm, đã vậy khu vực này còn bị bao vây bởi các dự án khác, nhất là bị ảnh hưởng bởi khí thải từ khu công nghiệp Hòa Khánh nên môi trường bị ô nhiễm kéo dài, gây nguy hại đến sức khỏe của người dân. Còn dự án “Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú” được triển khai từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn còn tới hơn 300/600 hộ của vùng dự án chưa được giải quyết đền bù để chuyển đến nơi ở mới. Trong khi đó, mặt bằng của vùng này thấp hơn so với các khu tái định cư xung quanh nên hình thành một vùng trũng, tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên.
Đường trong khu vực dự án “Khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú” thường xuyên bị úng ngập.
Bà Lê Thị Sáu ở thôn Quan Nam 5, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bức xúc: “Thời gian gần đây, cứ nghe nói đến lụt là người dân chúng tôi lại nơm nớp lo sợ. Bởi khi đó nước ngập đến cả tuần mới rút, đi lại khó khăn cộng với nỗ lo nhà sập, nhưng không được sửa chữa, vì người ta kiểm kê hết rồi khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Ngày trước còn nuôi được con heo, con gà, trồng vài sào lúa, giờ thì lấp đất hết. Không biết sau ni sống ra sao?”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Hà, Bí thư Chi bộ thôn Quan Nam 2 cho biết thêm, tình trạng này đã kéo dài gần 10 năm nay. Đến thời điểm này có rất nhiều hộ dân chưa nhận được bất cứ khoản tiền đền bù nào, kéo theo đó là nạn thất nghiệp ở đại bộ phận những người lớn tuổi, vốn quen với công việc làm nông. Chưa ổn định về chỗ ở nên việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cũng rất khó khăn. Còn những hộ may mắn nhận được tiền đền bù thì lại đau đầu trong việc xây nhà mới vì giá đất ở các khu tái định cư chênh lệch cao so với giá đền bù, có nơi gấp đến 4 lần. Nhiều hộ mua đất xong là trắng tay, không có tiền để làm nhà, hộ nào giỏi tính toán lắm cũng phải bù lỗ cả trăm triệu đồng mới xây được một ngôi nhà kiên cố. Cá biệt có những hộ đã nhận được tiền nhưng do thời gian đợi dự án quá lâu, lại không có việc làm nên tiêu pha hết, dẫn đến vợ chồng bất đồng, hôn nhân đổ vỡ.
Theo ông Ngô Vạn Năng, Phó trưởng Công an xã Hòa Liên: Tình trạng người dân đi không được, mà ở cũng không xong đã gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý. Vì vậy, thời gian qua trên địa bàn các vụ việc gây mất an ninh trật tự có chiều hướng gia tăng, cụ thể là trong 3 tháng đầu năm 2014 đã có 11 vụ với 22 đối tượng. Gần đây khu vực này trở thành các điểm nóng về băng nhóm trộm cắp, cá độ, bài bạc…
Ông Trương Tấn Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: “Trên địa bàn xã tập trung nhiều dự án, tính đến nay đã có 26 dự án lớn nhỏ, trong đó có nhiều dự án tiến độ triển khai và thi công chậm như khu Đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú, Khu nhà ở liền kề cho công nhân, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, các khu tái định cư Hòa Liên 2, 3, 4…. Hơn nữa, xã Hòa Liên vẫn là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, đại đa số người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nên việc các dự án “giậm chân tại chỗ” đã tác động xấu đến đời sống của bà con cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
"Trước tình hình trên, UBND xã đã kiến nghị với hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố, bố trí vốn cho nhân dân đến nơi ở mới, nhất là vùng dự án Quan Nam - Thủy Tú vì đây là vùng trũng, mùa mưa lũ đe đọa rất lớn đến tính mạng của người dân. Hy vọng hội đồng giải phóng mặt bằng bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án để người dân sớm có cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp” - ông Trương Tấn Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Liên nói với chúng tôi như vậy.