Các nguồn tài chính khác nhau đã giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước. Ảnh: Hữu Linh.
Nhiều nguồn tài chính không còn được ưu đãi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu vừa công bố Báo cáo Tài chính phát triển phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam khi trở thành nước thu nhập trung bình. Báo cáo được thực hiện trong giai đoạn 2013-2014.
Theo báo cáo, các nguồn tiền chính cho phát triển của Việt Nam là nguồn thu ngân sách Nhà nước, vay nợ, vốn ODA, các khoản cho vay từ khu vực ngân hàng của Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế...
Trong đó, các nguồn thu ngân sách Nhà nước là nguồn tiền phát triển lớn nhất tại Việt Nam. Kể từ năm 2006 nguồn thu đã tăng gần gấp 3 lần, lên mức 800.000 tỷ đồng, tương đương 39 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đã giảm từ mức gần 30% vào giữa những năm 2000 xuống mức 22,8% vào năm 2012 do hệ quả của suy thoái kinh tế, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp và giảm thu từ dầu mỏ.
"Chính phủ đã nhận ra rằng thuế doanh nghiệp cao đang ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và do đó đã có kế hoạch cắt giảm. Vì vậy, trong tương lai các nguồn thu từ thuế sẽ tăng trưởng rất khiêm tốn" - báo cáo nhận định.
Ngoài ra, vay nợ công kể từ năm 2006 đã tăng trung bình 30% mỗi năm, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu trong nước để hỗ trợ các biện pháp kích thích kinh tế. Theo tiêu chuẩn quốc tế thì nợ của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn và vẫn còn dư địa để tăng vay nợ lên mức giới hạn tổng nợ theo đề xuất của Chính phủ là 65% GDP.
Phân tích về sự bền vững của vay nợ do Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế cùng thực hiện cho thấy, hiện tại nguy cơ khủng hoảng nợ của Việt Nam là thấp nhưng cần phải duy trì sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tính bền vững.
Liên quan đến nguồn vốn ODA, trong suốt thập kỉ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nguồn vốn ODA nhiều nhất trên thế giới. Do hiện nay Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, các dòng vốn ODA sẽ giảm đi và các điều khoản trở nên kém ưu đãi hơn.
Vốn ODA đã tăng mạnh vào năm 2009 khi các ngân hàng phát triển lớn tăng mức cho vay để ứng phó trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các mức cho vay này vẫn được duy trì với mức giải ngân hàng năm gần 4 tỷ USD. Dự kiến cho đến năm 2020 vốn ODA sẽ chưa suy giảm, mặc dù càng ngày sẽ càng có ít các điều khoản ưu đãi hơn.
Báo cáo lưu ý: Việt Nam phải đối mặt với một số lựa chọn về chính sách trong việc làm thế nào để sử dụng nguồn tài chính không còn được ưu đãi như trước, đồng thời phải thận trọng nhằm tránh làm mất đi sự hỗ trợ cho các lĩnh vực xã hội.
Tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam đã được cải thiện, từ mức chỉ 25% số vốn cam kết lên mức 40% năm 2012. Tuy nhiên vẫn còn trên 20 tỷ USD là vốn ODA cam kết từ 6 ngân hàng vẫn chưa được sử dụng, chủ yếu do những nút thắt trong quá trình thực hiện dự án cơ sở hạ tầng.
E ngại chất lượng FDI
Đánh giá cao tầm quan trọng của FDI vào Việt Nam, song báo cáo cũng lo ngại về chất lượng FDI tại Việt Nam và định hướng tương lai của nguồn vốn này. Phần lớn FDI tại Việt Nam liên quan đến hoạt động lắp ráp đơn giản. Chất lượng công việc tương đối thấp, tranh chấp lao động xảy ra thường xuyên và có nhiều vấn đề lớn về môi trường.
Các công ty nước ngoài không sử dụng đầu vào do khu vực tư nhân trong nước cung cấp và điều này đã hạn chế tác động lan tỏa như trình độ chuyên môn và chuyển giao công nghệ. Tỷ trọng của FDI vào khoa học và công nghệ chưa đạt đến 0,5%.
"Quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài được phân cấp cho các tỉnh chịu trách nhiệm thiếu khung chính sách quốc gia hay thiếu sự giám sát từ Trung ương. Điều này đã dẫn các tỉnh đến một "cuộc đua xuống đáy" trong cạnh tranh thu hút FDI thông qua việc miễn giảm thuế và đưa ra các ưu đãi khác.
Điều này đã khiến giảm đóng góp của FDI vào ngân sách. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm cách giảm thuế phải nộp bằng cách thực hiện chuyển giá" - báo cáo chỉ rõ.
Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nguồn tài chính phát triển của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng suốt một thời gian dài, giúp cho Việt Nam duy trì được các mức đầu tư rất cao và đạt được một thời kỳ kéo dài với mức tăng trưởng và tỷ lệ giảm nghèo cao.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý: Đầu tư cao không còn tạo ra được tăng trưởng ở mức độ tương xứng như trước nữa, và Chính phủ Việt Nam đã phải kiềm chế đầu tư để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn các luồng tài chính phát triển sẽ bị hạn chế nhiều so với trước đây.
"Điều đó đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn trong việc sử dụng đầu tư công và chú trọng hơn đến cách thức sử dụng đầu tư công và các giải pháp chính sách để thu hút các nguồn tài chính phát triển khác" - báo cáo khuyến nghị.