Một dự án bất động sản ở Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg News/WSJ.
Báo Wall Street Journal cho biết, dòng tiền đổ vào khu vực châu Á thời gian gần đây là kết quả của các chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh tay mà các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đang áp dụng.
Hồi tháng 9, FED tuyên bố tung ra gói nới lỏng định lượng số 3 (QE3) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp ở những quốc gia Âu-Mỹ có chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã thúc đẩy các quỹ đầu tư tìm tới mọi ngóc ngách của châu Á để tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Theo số liệu từ Standard Chartered, trong tháng 9, lượng vốn ngoại đổ ròng vào thị trường trái phiếu của Indonesia là 1,3 tỷ USD, so với mức vốn ròng chảy ra 540 triệu USD trong tháng 8. Tương tự, lượng vốn ròng từ nước ngoài đổ vào thị trường trái phiếu Hàn Quốc trong tháng 9 là 1,4 tỷ USD, so với mức vốn ròng chảy ra 2,4 tỷ USD trong tháng 8.
Giá nhà ở Hồng Kông đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi tăng gấp đôi trong vòng 4 năm trở lại đây. |
Một số thị trường chứng khoán có quy mô vào hàng nhỏ nhất trong khu vực đã được hưởng lợi từ sự trở lại của các dòng vốn ngoại. Trong đó, thị trường chứng khoán Thái Lan đã tăng 28% từ đầu năm, thị trường Philippines tăng 24%, còn chỉ số chính của thị trường Ấn Độ tăng 23%. Hôm đầu tuần này, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã đạt mức điểm cao nhất trong 14 tháng. Duy chỉ có thị trường chứng khoán của Trung Quốc đại lục là giảm điểm từ đầu năm tới nay do những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này.
Hai nền kinh tế vào hàng phát triển nhất trong khu vực là Hồng Kông và Singapore cũng đã nhận được những dòng vốn ngoại chảy vào, khiến không chỉ tỷ giá đồng tiền tăng mà còn cả giá cổ phiếu và nhà đất cũng đi lên.
Giá nhà ở Hồng Kông đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi tăng gấp đôi trong vòng 4 năm trở lại đây. Hôm Chủ nhật tuần trước, người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông là ông John Tsang đã lên tiếng cảnh báo rằng, thị trường bất động sản của vùng lãnh thổ này đã “tách rời một cách nghiêm trọng” với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Ông Tsang cũng đưa ra khả năng sẽ áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát giá nhà đất.
Tại Thái Lan, ngân hàng Trung ương hôm thứ Hai đã đưa ra các quy định mới nhằm khuyến khích các dòng vốn chảy khỏi nước này và cân đối các dòng tiền khổng lồ chảy vào. Bangkok đã nới lỏng các quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp niêm yết và cá nhân muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán nước ngoài và các loại trái phiếu nội địa phát hành bằng ngoại tệ.
Các nhà hoạch định chính sách Singapore cũng đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang của thị trường địa ốc khi mà giá nhà tư nhân đã tăng 56% kể từ khi thị trường chạm đáy của chu kỳ gần nhất vào quý 2/2009. Trong mấy tuần gần đây, cả Hồng Kông và Singapore đều đã thúc đẩy những nỗ lực nhằm thắt chặt quy định cho vay mua nhà nhằm giảm nhiệt cho thị trường bất động sản.
“Với nền kinh tế tương đối nhỏ và có độ mở cao, Singapore và Hồng Kông càng dễ chịu ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ. Điều này có thể làm gia tăng rủi ro về biến động giá tài sản và áp lực lạm phát tại Singapore và Hồng Kông”, ông Andrew Colquhoun, người đứng đầu bộ phận đánh giá tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings tại châu Á-Thái Bình Dương, nhận xét.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Đôla Singapore từ đầu năm đến nay đã tăng giá khoảng 6% so với đồng USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở châu Á. Hôm thứ Sáu vừa rồi, cơ quan tiền tệ của Hồng Kông cũng can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm giảm giá đồng tiền của vùng lãnh thổ này lần đầu tiên sau khoảng 3 năm.
Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đang cảm nhận được làn sóng thanh khoản trong nền kinh tế toàn cầu. Những dòng vốn này còn được thể hiện dưới dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, vốn FDI chảy vào Indonesia đã tăng 22% trong quý 3, đạt mức kỷ lục 5,9 tỷ USD.
Lạm phát sẽ tăng trở lại vào năm tới. Khi nền kinh tế khu vực tăng tốc, với lượng thanh khoản lớn trên toàn cầu, lương tăng và giá cao hơn, lạm phát sẽ là rủi ro số 1 trong khu vực. Ông Frederic Neumann, chuyên gia của HSBC |
Trong khi đó, theo số liệu của hãng nghiên cứu Dealogic, thị trường trái phiếu châu Á đã có mức phát hành lớn chưa từng có 158 tỷ USD từ đầu năm đến nay, so với mức phát hành 112,7 tỷ USD của cả năm ngoái.
Một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, lượng thanh khoản lớn đổ vào châu Á sẽ đẩy giá tiêu dùng leo thang, buộc lãi suất phải tăng, đặt tăng trưởng kinh tế vào rủi ro bị chặn đứng.
“Lạm phát sẽ tăng trở lại vào năm tới. Khi nền kinh tế khu vực tăng tốc, với lượng thanh khoản lớn trên toàn cầu, lương tăng và giá cao hơn, lạm phát sẽ là rủi ro số 1 trong khu vực”, ông Frederic Neumann, chuyên gia của HSBC, nhận xét.
Theo ông Neumann, các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia dễ có xu hướng lạm phát tăng hơn, trong khi Trung Quốc sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn bởi nước này có các biện pháp hạn chế dòng vốn chảy vào.