06/10/2011 8:27 AM
CafeLand - Theo đánh giá mới đây của Công ty Quản lý Tư vấn Bất động sản CBRE, triển vọng phát triển của các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam tương đối khả quan. Dự kiến, nguồn cầu vào thị trường này sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian tới.

Tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp

Cở sở hạ tầng hoàn thiện là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển bất động sản KCN. Ảnh: Nguồn internet


Trong báo cáo thị trường bất động sản quý III/2011 của Công ty CBRE Việt Nam cho biết, bất động sản KCN đang trở nên ngày càng quan trọng hơn trong thị trường bất động sản. Do các sản phẩm công nghiệp sẽ hỗ trợ cho sự phát triển về sau của ngành dịch vụ cũng như nhu cầu phát triển dài hạn các phân khúc bất động sản khác.

Công ty này lý giải rằng, do định hướng phát triển của đất nước, Chính phủ đang trực tiếp đề nghị những gói ưu đãi hấp dẫn cho các đối tượng thuê là các nhà sản xuất nhằm thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực. Nhiều công ty sản xuất quốc tế cũng đang xem xét việc thành lập công ty hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam do Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá thuê đất và giá nhân công so với nhiều quốc gia Châu Á khác.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng cũng như nền kinh tế Việt Nam đều có triển vọng phát triển rất tích cực. Khu vực tư nhân đang phát triển mạnh mẽ cũng là một nguồn cầu rất lớn cho các dự án công nghiệp.

Nếu như trước đây, các công ty sản xuất nội địa thường thuê các nhà máy, kho xưởng ngay trong khu đô thị thì hiện nay Chính phủ đang đưa ra nhiều ưu đãi dành cho các công ty sản xuất trong nước nhằm khuyến khích họ chuyển vào hoạt động trong các KCN tập trung.

Theo báo cáo mới đây của Tổng Cục thống kê cho biết, tính từ đầu năm đến 22/9/2011, vốn FDI đạt 9903,5 triệu USD, bằng 72,1% cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các ngành ngành xây dựng đạt 689,3 triệu USD, bao gồm 547,5 triệu USD vốn đăng ký mới và 141,8 triệu USD vốn tăng thêm.

Thị trường KCN tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hoạt động rất ổn định khi xét theo công suất hoạt động và giá thuê đất. Tại Tp.HCM, công suất hoạt động các KCN là 94,1% với mức giá thuê 137 USD/m2, cao gấp 170 lần giá thuê đất bên ngoài thành phố. Ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có mức giá thuê thấp hơn khoảng 50USD – 53 USD/m2, công suất thuê ở khoảng 67 – 75,8%.

Theo đánh giá của CBRE, sự trở lại của thị trường bất động sản KCN phía Nam là nhờ vào đặc trưng của thị trường với quỹ đất có hạn và thời hạn hợp đồng khá dài, thường lên đến 50 năm. Riêng thị trường Tp.HCM có giá cao hơn là do hệ thống cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận tốt hơn những khu vực còn lại.

Giới chuyên gia dự đoán rằng giá thuê đất trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, trong mối tương quan chặt chẽ với nhu cầu và lạm phát. Tỷ lệ lấp đầy sẽ tăng ở mức vừa phải, thúc đẩy bởi sự hồi phục của ngành sản xuất công nghiệp. Nhiều địa điểm mới vẫn chưa đủ sức cạnh tranh so với những khu vực hiện đang thu hút nhiều chú ý nhất nhờ có những lợi thế lớn về vị trí, cơ sở hạ tầng và kinh tế.

Nhìn về triển vọng, CBRE dự kiến nguồn cầu sẽ vẫn giữ ở mức cao. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, cả nước sẽ có khoảng 558 KCN với tổng diện tích 200.000ha.


Hiện tại, các công ty trong nước cũng đang hướng đến các KCN thay vì mở nhà máy trong khu dân cư để nhận được nhiều ưu đãi tốt hơn. Các nhà sản xuất quốc tế bắt đầu quan tâm đến thị trường Việt Nam khi nhận thấy tiềm năng nhân công lao động dồi dào, chi phí lao động thấp, có hệ thống chính trị ổn định.

Ngoài ra, sau thảm họa động đất Nhật Bản, Công ty CBRE cũng ghi nhận sự dịch chuyển ở thị trường này sang Việt Nam.

Tuy nhiên, CBRE lo ngại rằng, mặc dù khuyến khích các địa phương phát triển KCN nhưng Chính phủ cũng đang xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm tránh sử dụng quỹ đất kém hiệu quả và quan tâm hơn đời sống người dân sau khi bị di dời để dành đất cho các KCN.

Song Yến
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.