Sau SCB, TinNghiaBank và Ficombank, sẽ có 5-8 ngân hàng nhỏ hợp nhất, sáp nhập ngay trong quí 1-2012. Ảnh: Thanh Tao. |
Sự không đảm bảo các khoản vay của tổ chức tín dụng yếu kém từ phía NHNN là một đòn mạnh đánh vào tâm lý giới kinh doanh liên ngân hàng. Còn nhớ vào tháng 11-2011 khi ba ngân hàng đầu tiên tuyên bố hợp nhất, lúc ấy đã có vài chủ nợ kêu trời một số khoản vay liên ngân hàng trị giá hơn ngàn tỉ đồng quá hạn đã lâu, mà người vay không trả. Từ thời điểm ấy, tài sản thế chấp khi vay vốn liên ngân hàng của một số tổ chức tín dụng trong “danh sách đen” được giới kinh doanh tiền ngầm hiểu, không những bắt buộc, mà tỷ lệ thế chấp còn tăng lên. Chẳng hạn thế chấp vàng, ngoại tệ, trái phiếu… trị giá 100 đồng, chỉ được vay tối đa 70 đồng.
Yêu cầu tài sản thế chấp là biện pháp tự vệ của bên cho vay đối với những khách hàng không thể tin tưởng. Sự tự vệ đó làm cho dòng chảy vốn trên thị trường liên ngân hàng co hẹp. Có những ngân hàng thừa tiền thà giữ tiền trong kho, còn hơn cho vay mà không đòi được. Vốn, về tổng thể, như vậy, bị kẹt ở một vài nơi nào đó. Sự căng thẳng thanh khoản hoàn toàn không phải do thiếu vốn, mà là do vốn phân bổ không đều. Chính vì vốn không thiếu, NHNN có lý do để không “bơm” tiền ra.
Để đo lường mức trầm trọng của thanh khoản, cần tính toán được sự thiếu hụt vốn của những ngân hàng yếu kém. Chính xác hơn phải tính toán được sự dịch chuyển vốn từ các ngân hàng thiếu lành mạnh về các ngân hàng tốt.
Theo Công ty Chứng khoán TPHCM, từ tháng 8 đến cuối tháng 11 năm ngoái, số tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng giảm 4,4%, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng. Điều này có nghĩa tỷ lệ giảm tại các ngân hàng yếu kém còn lớn hơn. Có ngân hàng mức sụt giảm lên tới vài chục phần trăm. Ngay lập tức, việc cho vay giảm vì không đủ vốn. Nhưng quan trọng là số vốn thiếu hụt chỉ còn cách bù đắp bằng vay liên ngân hàng. Từ trước đến nay, các khoản vay liên ngân hàng được trả đủ và đúng hạn do thanh khoản thiếu hụt mang tính tạm thời. Nay sự tạm thời biến thành mãn tính. Thanh khoản tháng sau không những không đủ để bù cho tháng trước, và trả khoản vay tháng trước, mà không đủ cho chính tháng đó và dĩ nhiên các khoản vay liên ngân hàng không có nguồn để trả.
Một sự quan sát kỹ lưỡng cho thấy từ tháng 8-2011 trở về trước, mỗi khi các ngân hàng yếu kém có vấn đề về thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng thường “nhảy” nhanh và mạnh. Các ngân hàng cho vay chớp thời cơ, đẩy lãi suất lên, bởi họ biết NHNN sẽ can thiệp và lãi suất mau chóng nguội lại. Thực tế đúng như vậy. Tuy nhiên, từ tháng 9-2011, NHNN thay đổi chiến thuật. Bất chấp sự “hụt hơi” thanh khoản của một số tổ chức tín dụng, NHNN không can thiệp hoặc can thiệp cầm chừng. Ban đầu một số ngân hàng cho vay ham lời, chào lãi suất cao, cho đến khi thấy không thể đòi được tiền đã cho vay, họ co lại. Tình thế xoay chuyển nhanh. Người dồi dào vốn quay sang giao dịch với những tổ chức đáng tin, có uy tín. Các ngân hàng yếu kém bị bỏ lay lắt trên thị trường liên ngân hàng, lộ bệnh và bước đường cùng phải xin tái cấp vốn của NHNN.
Thuốc đắng bắt đầu đã tật! Liều thứ nhất NHNN cắt “cơn nghiện” tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cao. Mức tăng tổng phương tiện thanh toán bị cắt giảm mạnh, ảnh hưởng tới toàn hệ thống ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Rất nhanh, những ngân hàng khỏe mạnh, có sức đề kháng, xoay xở kịp, chứng tỏ nội lực của mình. Cùng lúc những ngân hàng yếu kém lộ diện. Tìm ra kẻ mạnh, người yếu, liều thuốc thứ hai được NHNN kê đơn: áp dụng và kiểm soát triệt để trần lãi suất, trần tăng trưởng tín dụng, không hỗ trợ thanh khoản tràn lan, cào bằng.
Bây giờ chúng ta đang đứng trước một thời điểm nhạy cảm, thời điểm thuốc sắp ngấm! Những con bệnh cầm hơi thời gian qua đã đến lúc cần được phẫu thuật. Khi công khai 5-8 ngân hàng sẽ tái cơ cấu trong quí 1, hẳn NHNN đã có trong tay đường đi nước bước rõ ràng của từng trường hợp. Có thể thấy từ sự hợp nhất SCB - Tín Nghĩa - Đệ Nhất rằng NHNN chẳng hào phóng gì. NHNN chưa bỏ trực tiếp một đồng nào vào ngân hàng mới SCB. Chỉ có BIDV hỗ trợ SCB 2.400 tỉ đồng như ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, xác nhận. Các ngân hàng tái cơ cấu phải tự gồng mình và phần lớn dựa vào các ngân hàng khỏe.
Sắp tới thanh khoản ngân hàng vào lúc thuốc ngấm có thể sẽ căng thẳng hơn những thời điểm căng thẳng vừa qua. Sau đấy sẽ là sự gượng dậy, phục hồi. Ngành ngân hàng Việt Nam còn trẻ, sự phục hồi của sức trẻ có thể tin là vững chắc.