Ảnh minh họa.
Dù có ý định mua nhà liền thổ nhưng khi có thông tin gói 30 nghìn tỷ được triển khai anh Hùng đã quyết định chuyển sang mua một căn hộ tại dự án chung cư nằm trên địa bàn quận 12 vì dự án này đủ điều kiện được vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ.
Thế nhưng mới vui mừng vì đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của ngân hàng để vay vốn và ký hợp đồng mua nhà chưa bao lâu thì mới đây anh Hùng lại vướng vào một rắc rối khác mang tên 30 nghìn tỷ.
Theo lời anh Hùng, theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư thì phải đến tháng 9/2016 anh mới đến hạn đóng tiền đợt tiếp theo thế nhưng mới đây anh đã bị người của chủ đầu tư liên tục thúc giục giải ngân hết phần còn lại trong gói vay của anh trước thời điểm gói 30 nghìn tỷ hết thời hạn giải ngân. Nếu giải ngân bây giờ, thì tính ra mình bị mất cả chục triệu tiền lãi suất, thế nhưng không giải ngân thì có thể gặp rủi ro khi không còn được vay gói 30 tỷ đồng trong thời gian tới, anh Hùng cho biết.
Trước đây cũng đã có nhiều tranh cãi về thời điểm 1/6 là hết thời gian đăng ký hay thời gian giải ngân gói 30 nghìn tỷ. Mới đây, phát biểu trên VTV, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 1/6, gói vay 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản sẽ hết thời hạn giải ngân dù cho hiện nay con số đăng ký vay vốn là 98% và mới giải ngân được khoảng 60%.
Đại diện Ngân hàng Nhà Nước cho biết, đến thời điểm đó Ngân hàng sẽ chỉ căn cứ vào số giải ngân chứ không căn cứ vào số đăng ký, tức là đến thời điểm 1/6 người dân đã đăng ký vay nhưng không kịp giải ngân thì vẫn không được tiếp tục vay gói 30 nghìn tỷ.
Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, việc dừng giải ngân này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến những người dân đã ký hợp đồng vay vốn từ gói tín dụng này. Người mua nhà có thể chấp nhận giải ngân sớm và chịu thiệt lãi suất như trường hợp trên hoặc phải tự thanh toán bằng tiền của chính mình hay phải trả thêm một phần lãi vay đáng kể từ các gói vay thương mại để đóng tiền mua nhà theo tiến độ.
Bên cạnh đó một điều rất rủi ro khi “vội vàng” giải ngân cho “kịp tiến độ” là việc kiểm soát sử dụng vốn của chủ đầu tư. Thông thường khi mua căn hộ đang xây dựng số tiền giải ngân thực hiện theo tiến độ dự án. Việc này nhằm giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích và cũng để ngược mua nhà giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, nếu ồ ạt giải ngân cho kịp thời điểm gói này kết thúc thì không chỉ người mua nhà phải trả thêm lãi suất mà còn chịu rủi ro khi chủ đầu tư sử dụng tiền sai mục đích.
Đánh giá kết quả giải ngân gói 30 nghìn tỷ là “quá thấp, quá chậm và chưa đạt như kỳ vọng”, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu đã từng có kiến nghị gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 05 năm, tức đến hết ngày 31/05/2018.
Ngoài ra, ông Châu còn đề xuất hạ lãi suất cho vay vốn xuống 4%-4,5%/năm áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng và 3-5%/năm đối với nhà ở xã hội để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng và thực tế tình hình kiểm soát lạm phát của Nhà nước.
Đồng thời, đề xuất thời hạn cho vay đối với nhà ở xã hội kéo dài lên 20 năm thay vì 15 năm như hiện nay để phù hợp khả năng tài chính của người mua nhà và thông lệ quốc tế, Ông Châu cho rằng các nước cho vay mua nhà ở xã hội thông thường cũng kéo dài từ 20 đến 30 năm.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được tung ra từ đầu tháng 6/2013 theo tinh thần của Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng tồn kho, nợ xấu, trong đó có ngành xây dựng bất động sản. Lãi suất gói này hiện tại là 5%, thời hạn cho vay tối đa lên đến 15 năm. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/12/2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay thuộc gói tín dụng 30 nghìn tỉ đồng hỗ trợ về nhà ở là 26.999 tỉ đồng. Trong đó, tổng số tiền đã giải ngân đạt 17.711 tỷ đồng, đạt 59% tổng gói tín dụng hỗ trợ.