06/06/2021 11:00 AM
Ngoài một số ngành nghề có quy định về số vốn pháp định, còn phần lớn không giới hạn quyền đăng ký số vốn góp khi thành lập doanh nghiệp, khiến xảy ra không ít trường hợp kê vốn khống...

Những ngày qua, thông tin về việc ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi) lập Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) với vốn điều lệ đăng ký ban đầu lên tới 500.000 tỉ đồng (21,7 tỉ USD) đã gây xôn xao cả cộng đồng doanh nghiệp (DN) và dư luận. Sự việc này tiếp tục đặt ra vấn đề cho cơ quan quản lý trong việc có nên bổ sung quy định DN cần chứng minh năng lực tài chính khi kê khai vốn điều lệ.

Hơn cả tập đoàn giàu nhất Việt Nam

Theo công bố của Auto Investment Group tại thời điểm đăng ký thành lập DN trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Thị Diễm Hằng góp 1 tỉ đồng, Lưu Hữu Thiện góp 1 tỉ đồng và Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.999 tỉ đồng (tương đương 21,7 tỉ USD).

Sự việc sẽ không gây xôn xao dư luận nếu vốn điều lệ đăng ký ban đầu của Auto Investment Group có tính khả thi. Đơn cử, vốn điều lệ đăng ký 500.000 tỉ đồng này nếu đúng sẽ vượt xa, thậm chí gấp nhiều lần những tập đoàn lớn của nhà nước và tư nhân. Ngay DN có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại là Tập đoàn Vingroup vốn điều lệ trên 34.000 tỉ đồng; các ngân hàng lớn nhất trong ngành tính theo quy mô vốn điều lệ gồm BIDV trên 40.000 tỉ đồng; Vietcombank và Vietinbank trên 37.000 tỉ đồng…

Người dân, doanh nghiệp đăng ký thủ tục kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cụ thể hơn, một chỉ tiêu để xác định giá trị một DN trên sàn chứng khoán là vốn hóa thị trường, được tính bằng thị giá cổ phiếu tại một thời điểm nhân với tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Chỉ tiêu này được hiểu là số tiền để có thể mua toàn bộ số cổ phần một DN với mức thị giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Và vốn hóa thị trường của DN giá trị nhất sàn chứng khoán là Vingroup, tính đến cuối tuần này (ngày 5-6), là hơn 409.000 tỉ đồng.

Điều này nghĩa là vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng của "siêu DN" trên cao hơn giá trị vốn hóa của bất kỳ DN Việt Nam nào trên sàn chứng khoán!

"Nổ" để PR

Đây không phải lần đầu tiên một DN được đăng ký thành lập với số vốn "khủng" như vậy. Hồi đầu năm 2020, Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC cũng được đăng ký thành lập với số vốn lên tới 144.000 tỉ đồng. Sau đó, các cá nhân góp vốn đã lý giải "đăng ký nhầm" vốn điều lệ và thực tế chủ DN này đang kinh doanh bán nước đóng chai.

Ở góc nhìn khác, thời gian qua, một số công ty "nổ" có vốn điều lệ lớn nhưng làm ăn bát nháo, thậm chí lợi dụng vỏ bọc công ty có vốn khủng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình là trường hợp Công ty CP Địa ốc Alibaba giới thiệu tổng vốn điều lệ lên tới 1.600 tỉ đồng, từ đó vẽ hàng loạt dự án "ma", lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư với số tiền lên tới hơn 2.500 tỉ đồng.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết hiện nay, chỉ một số ngành nghề có quy định về số vốn pháp định, còn phần lớn người dân được quyền đăng ký số vốn góp khi thành lập DN. Quy định này cũng dẫn đến không ít trường hợp chủ DN "nổ" số vốn điều lệ rất lớn, thậm chí là không tưởng. Việc "nổ" số vốn điều lệ thông thường là "chiêu PR", tạo sự chú ý của dư luận. "Không loại trừ một số DN có động cơ vụ lợi hoặc là lừa đảo, nhằm tạo niềm tin cho các đối tác trong các giao dịch phi pháp của họ. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp thành lập công ty với số vốn lớn nhưng không góp vốn, mà chỉ lấy "mác" để đi kêu gọi vốn, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" - LS Trương Anh Tú phân tích.

Theo TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành R&T LCT Lawyers, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), lạm dụng quy định còn sơ hở về việc tự do đăng ký vốn điều lệ, nhà đầu tư trong nước có xu hướng đăng ký mức vốn điều lệ lớn nhằm tạo lòng tin cho đối tác giao dịch với công ty mình. Cá biệt, một số trường hợp chủ ý đăng ký khống mức vốn điều lệ lớn bất thường để trục lợi bất chính. Lúc này, phần rủi ro sẽ đẩy về phía các đối tác đã "trót" có giao dịch với DN, khi các thành viên góp vốn không có khả năng chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đăng ký...

"Việc đăng ký khống vốn điều lệ và không thực góp đủ vốn điều lệ/pháp định đăng ký cũng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm sai lệch thông tin về năng lực của DN và gây khó khăn cho công tác quản lý, đánh giá của nhà nước về dòng vốn đầu tư thực tế" - TS Châu Huy Quang nhận xét.

Luật sư NGUYỄN HỒNG THÁI, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:

Con số phi thực tế

Pháp luật không cấm việc đăng ký số vốn điều lệ, nhà nước khuyến khích phát triển DN, đặc biệt DN tư nhân để phát triển kinh tế. Các cá nhân có nguyện vọng thành lập DN với số vốn lớn đáng hoan nghênh nhưng số vốn đó phải bảo đảm tính khả thi.

Dù mức phạt 10 - 20 triệu đồng đang áp dụng khi hết thời gian luật định (90 ngày) mà DN không góp đủ vốn và không khai báo giảm số vốn điều lệ thực góp nhưng việc tăng chế tài chưa cần thiết. Nhà nước đang khuyến khích thành lập, phát triển DN, nếu chỉ nhìn vào góc độ tăng chế tài sẽ phần nào ảnh hưởng đến định hướng này. Thành công của DN không chỉ đến từ số vốn ảo họ đăng ký, mà đó là cả một quá trình khởi sự, sản xuất, kinh doanh, quá trình làm việc thật, tạo ra giá trị thật.

TS CHÂU HUY QUANG, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC):

Kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường

Cơ quan cấp phép nên chủ động kiểm tra và đưa ra ý kiến, câu hỏi làm rõ trong quá trình xử lý hồ sơ khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường (khoản vốn quá lớn hoặc quá nhỏ) trong thông tin đăng ký của DN, thay vì cấp phép theo quy trình bình thường đối với các DN khác.

Đối với các trường hợp đăng ký thành lập DN mức vốn điều lệ quá lớn (như đạt các ngưỡng cao bất thường nào đó), pháp luật có thể xem xét quy định một thủ tục chặt chẽ hơn trong việc thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư trong nước, áp dụng tương tự đối với yêu cầu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thành lập dự án ở Việt Nam. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam sẽ được đánh giá tổng thể tính khả thi của dự án đầu tư, tính hợp pháp, hợp lệ của nguồn vốn đầu tư...

Đối với các trường hợp vi phạm (như không thực hiện việc điều chỉnh vốn nếu quá thời hạn góp mà không góp đủ, thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi bất chính...), việc áp dụng chế tài xử phạt cần nghiêm khắc. Trường hợp các vi phạm trở nên phổ biến, pháp luật cần xem xét quy định chế tài nặng hơn và đủ sức răn đe. Ngoài hình thức phạt hành chính, các chế tài và cơ chế khác về dân sự, hình sự có thể xem xét khi có vi phạm hoặc tranh chấp xảy ra liên quan đến việc đăng ký không trung thực vốn điều lệ.

Chuyên gia kinh tế, TS ĐINH THẾ HIỂN:

Không "đùa" với pháp luật

Việc đăng ký vốn khống và thiếu tính khả thi như vậy sẽ làm sai lệch thống kê của cơ quan quản lý nhà nước. Dù quy định thông thoáng trong hoạt động đăng ký kinh doanh hỗ trợ DN khởi nghiệp, bỏ bớt các giấy phép con nhưng tính nghiêm túc trong việc thành lập công ty phải có. Một công ty muốn thành lập và hoạt động cần phải xác định năng lực của mình ở đâu, trụ sở rõ ràng và những thành viên góp vốn cũng cần minh bạch..., không thể tùy tiện, "đùa giỡn" với pháp luật.

Đáng lưu ý, thời gian qua, có tình trạng một số DN đăng ký nâng khống vốn điều lệ lên vài trăm tỉ đồng khi thành lập rồi tới các địa phương xin triển khai dự án. Chính quyền địa phương chỉ nhìn vào hồ sơ ban đầu của DN với vốn điều lệ "khủng" là được giao dự án, thay vì nhìn vào năng lực thật sự của DN thông qua các báo cáo tài chính, báo cáo thuế được kiểm toán... Do đó, một số cơ quan quản lý nhà nước trong xét duyệt, thẩm định DN để phê duyệt, giao đất triển khai dự án không thể chỉ nhìn vào vốn điều lệ.

Minh Chiến - Thái Phương ghi

Thái Phương - Minh Chiến (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.