16/04/2014 7:46 AM
Đề xuất tính tiền sử dụng đất cho đơn vị, cá nhân mua căn hộ và khu thương mại theo bảng giá đất tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận.

“Từ năm 2014, dự án Khu cao ốc liên hiệp gia cư và thương mại Thuận Kiều (gọi tắt là Thuận Kiều Plaza, 190 Hồng Bàng, quận 5) phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành do đã hết thời gian thuê đất 20 năm” - Sở Tài chính TP.HCM nêu ý kiến trong tờ trình xác định nghĩa vụ tài chính của Thuận Kiều Plaza.

Chỉ được thuê đất đến hết tháng 1-2014

Theo tờ trình, Thuận Kiều Plaza được Thủ tướng ký quyết định cho thuê đất vào năm 1996. Quyết định này ghi rõ thời hạn thuê đất là 20 năm kể từ ngày cấp giấy phép kinh doanh (31-1-1994). Trong suốt thời gian đó, bên hợp danh là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV và bên nước ngoài là Kings Harmony Int’l MTV chịu trách nhiệm trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, hiện toàn bộ công trình đã được chuyển nhượng. Cụ thể, Công ty Cổ phần An Đông đã ký hợp đồng mua hết ba tầng khối đế làm khu thương mại và mua luôn 607/648 căn hộ thuộc phần khối tháp bên trên. Còn lại 18 căn hộ do hộ gia đình cá nhân mua và 23 căn chưa bán được sẽ chuyển giao cho Nhà nước (theo giấy phép kinh doanh, khi hết thời hạn sử dụng đất thì phần công trình xây dựng chưa bán được phải chuyển cho Nhà nước).

Theo Sở Tài chính, Luật Đất đai năm 2003 đã có quy định về việc nộp tiền sử dụng đất đối với dạng dự án như Thuận Kiều Plaza. Do đó dự án này phải được xác định về nghĩa vụ tài chính và hình thức giao hoặc cho thuê đất tiếp tục đối với người tiếp nhận là Công ty An Đông và 18 hộ đã mua nhà.



Cao ốc Thuận Kiều Plaza, quận 5 đang gặp rắc rối về hình thức sử dụng đất và tiền sử dụng đất. Ảnh: CẨM TÚ

Đề xuất tiền sử dụng đất theo bảng giá đất

Sở Tài chính đưa ra ba phương án về nghĩa vụ tài chính của Thuận Kiều Plaza. Cụ thể, nếu UBND TP chấp thuận giao đất cho Công ty Cổ phần An Đông kể từ ngày hết hạn sử dụng đất thuê (31-1-2014) thì tiền sử dụng đất được tính từ ngày tiếp theo, tức ngày 1-2-2014. Đối tượng nộp tiền sử dụng đất là Công ty An Đông (với khu thương mại cùng 607 căn hộ) và 18 hộ gia đình cá nhân đã mua nhà. “Giá đất tính thu tiền sử dụng đất được xác định sát giá thị trường tại thời điểm 1-2-2014” - sở này cho hay.

Tuy nhiên, Sở Tài chính cho rằng cách tính trên sẽ rất khó thực hiện. Bởi khi đó các đối tượng nhận chuyển nhượng phải nộp thêm một số tiền theo giá thị trường khiến giá thành căn hộ và khu thương mại thực tế tăng cao. Trong khi đó, đây là trường hợp hết sức đặc thù. Bởi trong giấy phép kinh doanh, quyết định cho thuê đất của Thủ tướng lẫn quy định hiện hành đều không có điều khoản nào quy định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính khi bán căn hộ và khu thương mại (bên nước ngoài, bên Việt Nam hay người mua phải đóng - PV).

Theo Sở Tài chính, thực tế tại TP cũng có trường hợp gần tương tự là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được Thủ tướng chỉ đạo cách giải quyết và có thể vận dụng tương tự để áp cho Thuận Kiều Plaza. Theo đó, đối tượng nộp tiền sử dụng đất là Công ty An Đông và 18 hộ gia đình cá nhân. Tiền sử dụng đất sẽ được tính theo bảng giá đất do TP ban hành tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng nếu muốn áp dụng cách làm này, UBND TP phải xin ý kiến Thủ tướng.

Phương án cuối cùng do Sở Tài chính đề xuất là Công ty An Đông và 18 hộ dân mua căn hộ của cao ốc Thuận Kiều vẫn tiếp tục sử dụng đất dưới dạng thuê và nộp tiền theo hình thức này.

Được biết tại cuộc họp gần đây giữa các sở, ngành, phương án tính tiền sử dụng đất cho cao ốc Thuận Kiều Plaza tương tự Công ty Phú Mỹ Hưng được xem là lựa chọn tốt nhất. Phương án này sẽ được trình lên để TP có ý kiến cuối cùng.

Cao ốc Thuận Kiều Plaza có tổng diện tích hơn 10.000 m2 gồm ba khối đế làm khu thương mại với chín tầng và ba khối tháp bên trên làm căn hộ với 648 căn. Tiền thuê đất của dự án trên được tính là 13,6 USD/m2/năm trong bốn năm đầu (1995-1999). Từ năm 1999, tiền thuê đất giảm xuống còn 7,8 USD/m2/năm.

Phú Mỹ Hưng được nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm mua bán

Tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng diễn ra tình trạng khiếu nại, tranh chấp về tiền sử dụng đất trong thời gian dài. Năm 1993 Công ty Phú Mỹ Hưng được cấp phép đầu tư khu đô thị trên với hình thức thuê đất trong 50 năm. Sau đó Phú Mỹ Hưng xây nhà để bán cho khách hàng. Do đất thuê có thời hạn sử dụng trở thành đất ở sử dụng ổn định lâu dài nên phát sinh câu chuyện ai phải nộp tiền sử dụng đất.

Ngày 2-12-2010, Thủ tướng có Văn bản 2187 hướng dẫn: Khách hàng mua nhà ở của Phú Mỹ Hưng đóng tiền sử dụng đất tại thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà giữa khách hàng và Công ty Phú Mỹ Hưng. Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất là bảng giá đất do TP ban hành và công bố hằng năm. Công ty Phú Mỹ Hưng có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất của khách hàng để nộp ngân sách nhà nước.

Chủ đề: Thuận Kiều Plaza,
Cẩm Tú (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.