“Quay lưng” với chợ mới
Hàng chục năm qua, chợ Nong cũ nằm sát Quốc lộ 1A là nơi người dân trên địa bàn xã Lộc Bổn kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, sự phát triển về số người họp chợ khiến ngôi chợ này phát sinh nhiều bất cập. Tình trạng buôn bán, họp chợ tràn ra lề đường khiến đoạn Quốc lộ 1A qua đây trở thành điểm đen giao thông. Ngoài ra, ngôi chợ này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, vệ sinh môi trường không được đảm bảo.
Trước tình trạng đó, năm 2012, UBND huyện Phú Lộc quyết định đầu tư xây dựng chợ Nong mới trên diện tích 0,5ha tại thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, cách chợ Nong cũ khoảng 1km. Công trình do Ban đầu tư và xây dựng huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng 27 tỷ đồng. Đến đầu năm 2014, ngôi chợ này được xây dựng hoàn thiện, gồm 2 tầng khang trang với 200 lô, kiốt, có đầy đủ nhà giữ xe, công trình vệ sinh...
Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 1 năm kể từ khi được xây dựng hoàn thiện, ngôi chợ này vẫn bỏ hoang. Nguyên nhân là do tiểu thương đang buôn bán tại chợ cũ không chịu chuyển qua chợ mới để kinh doanh vì họ cho rằng giá thuê mặt bằng ở chợ này quá cao. Lúc đầu, UBND xã Lộc Bổn phê duyệt giá thuê mặt bằng tại đây dao động từ 31-110 triệu đồng/lô, kiốt; thời hạn thuê 10 hoặc 15 năm.
Trước sự phản đối của tiểu thương, cuối năm 2014, chính quyền xã đã điều chỉnh mức thuê các lô, kiốt xuống còn từ 24 - 83 triệu đồng, nhưng vẫn bị tiểu thương tẩy chay. Chính quyền xã và huyện đã nhiều lần tổ chức họp để thỏa thuận và vận động tiểu thương đến chợ mới kinh doanh nhưng bất thành.
Cần hài hòa lợi ích
Ông Trần Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn cho biết, việc vận động tiểu thương chuyển từ chợ cũ sang chợ mới hết sức nan giải. Nguyên nhân chính là do nhiều hộ kinh doanh ở chợ cũ không phải trả tiền mặt bằng nên họ không muốn chuyển chỗ buôn bán. Mặt khác, nhiều tiểu thương ở chợ cũ ký hợp đồng thuê kiốt 15 năm nhưng hiện mới chỉ sử dụng 8 năm nên họ không chịu chuyển đến chợ mới. Sắp tới UBND xã tiếp tục họp với tiểu thương để vận động những người này bốc lô, dọn hàng đến bán ở chợ mới, ra Tết Nguyên đán mới thu tiền thuê mặt bằng. Nếu tiểu thương vẫn không chấp thuận xã sẽ đề xuất huyện có giải pháp mạnh tay để đưa chợ mới vào hoạt động, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, môi trường, tránh lãng phí.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Nong cũ khẳng định, lý do chính khiến họ không chuyển đến chợ mới là do giá thuê mặt bằng tại chợ này quá cao, mặt khác họ không có một lúc nhiều tiền để đóng cho xã. “Buôn bán ở vùng thôn quê, lời lãi chẳng được bao nhiêu, nếu phải thuê mặt bằng như xã đề ra thì chúng tôi sẽ rất khó khăn” - tiểu thương Nguyễn Thị Niềm nói. Nhiều tiểu thương khác cho biết, theo hợp đồng, họ đang có thời gian 7 năm kinh doanh tại chợ cũ, nay chuyển sang chợ mới nếu không có chính sách hỗ trợ thì họ phải chịu quá nhiều thiệt thòi.
Sự “quay lưng” của tiểu thương đang khiến chợ Nong mới có nguy cơ bị bỏ hoang kéo dài gây lãng phí ngân sách nhà nước. Ngôi chợ tiền tỷ này sẽ khó phát huy tác dụng nếu không có sự hài hòa lợi ích giữa chính quyền và tiểu thương.