Việt Nam đã là công xưởng thế giới
Cụ thể, Thủ tướng cho rằng thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, căng thẳng thương mại, nguy cơ xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại tự do. Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do vẫn được duy trì.
“Chúng ta luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa”, Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, nhờ có niềm tin đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
“Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác được coi là minh chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Cùng với đó, Thủ tướng khẳng định, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam giờ đây không còn chơi trên sân nhà nữa mà đã "giong buồm ra đại dương", đang khẳng định vị thế cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tận dụng những dòng hải lưu thương mại
Thủ tướng cho rằng, “có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những "dòng hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích”.
Trong 3 thập niên đổi mới, Việt Nam có 16 hiệp định FTA đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán cho thấy sự nhất quán trong đường lối tự do hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam.
“Các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, nếu như dòng vốn đầu tư sẽ "chảy" từ nơi có năng suất vốn thấp đến nơi có năng suất vốn cao thì thương mại sẽ "chảy" từ nơi có năng suất cao sang nơi có năng suất thấp. Thuế có thể tạm thời làm biến dạng các dòng chảy thương mại nhưng dòng chảy chính vẫn được quyết định bởi chênh lệch năng suất.
Với ý nghĩa đó, nếu các doanh nghiệp không nhìn thấy và phát huy được lợi thế so sánh của mình thì sẽ rất khó cạnh tranh và thành công. Trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể thành công, Thủ tướng bổ sung.
Thủ tướng cho rằng để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên.Trước hết là nỗ lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai là sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các doanh nghiệp FDI, Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình. Và thứ ba là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ với nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
-
Lạm phát giảm thấp nhất trong 9 năm
CafeLand - Trên đây là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khi nói về tăng trưởng CPI tháng 11 vừa qua.