CafeLand – Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chính các doanh nghiệp cũng phải nổ lực tự cứu lấy mình trong cuộc cạnh tranh phát triển của nền kinh tế hội nhập.

Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra sáng 29/4 tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn doanh nghiệp phải xây dựng một chiến lược phát triển trong hội nhập, các vấn đề về văn hóa doanh nhân, giảm chi phí để phát triển. “Chúng ta không tự cứu thì không ai cứu được các đồng chí đâu, đây có nhiều doanh nhân thành đạt ngồi trong hội trường này tôi hiểu các đồng chí có đầy phẩm chất năng lực và tự sáng tạo để phát triển trong giai đoạn vừa qua, rất hoan nghênh. Nhưng còn rất nhiều doạnh nghiệp vẫn chưa tự cứu mình”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng nêu 10 giải pháp của Chính phủ xây dựng thể chế tạo môi trường kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp:

Thứ nhất, Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền lợi kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các lĩnh vực, nghành nghề mà pháp luật không cấm.

Thứ hai, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, các doanh nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng, kinh doanh các mặt hàng chịu chính sách bình ổn giá… Tất cả các doanh nghiệp còn lại, không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai thị trường và cơ hội kinh doanh. Kể cả các doanh nghiệp Nhà nước cũng phải bình đẳng.

Thứ ba, Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách để đảm bảo tính tiên lượng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh, đừng sớm nắng chiều mưa một chính sách, không được hồi tố chính sách. Đặc biệt, Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường hòa bình, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm và hướng tới người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình.

Thứ năm, các quy định về điều kiện phải lượng hóa được minh bạch, dễ hiểu để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá được việc tuân thủ, đáp ứng được yêu cầu với chi phí thấp, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh. “Ông đưa ra một nghị định mới, ông phải nói rõ điều đó chứ không phải hiểu thế này, hiểu thế khác đều được cả, sai cũng được mà đúng cũng được, doanh nghiệp họ lo những điều này lắm”, Thủ tướng nói.

Thứ sáu, các quy định của Nhà nước phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ. Theo tinh thần nhà nước kiến tạo, cung cấp các dịch vụ cho người dân doanh nghiệp. Lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Thứ bảy, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập xã hội. Đặc biệt là khơi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cần phải có chính sách hỗ trợ riêng để tạo điều kiện cho phát triển và hội nhập. Đất nước Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.

Thứ tám, ngăn chặn có hiệu quả việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa kinh tế. Trừ các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì buộc phải xử lý nghiêm minh.

Thứ chín, đối với các doanh nghiệp hoạt động có tính rủi ro lớn, hoạt động công ích, tham gia nhiệm vụ an ninh quốc phòng cần có cơ chế quản lý phù hợp.

Thứ mười, giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nghị định, thông tư phải thực hiện đúng theo luật doanh nghiệp và luật đầu tư.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.