Để có thêm tiền cho việc sửa chữa đường bộ, mới đây, văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã đề xuất thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ đối với các nhà cung cấp dịch vụ như điện lực, viễn thông, cấp nước... Theo các chuyên gia, việc thu loại phí này là hợp lý, tuy nhiên vấn đề là cần có cơ chế để kiểm soát sao cho minh bạch và tránh việc tăng phí dịch vụ.
Thi công một dự án cấp nước ở TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Có lợi nhuận thì phải đóng phí
Hồi đầu tháng 1 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thảo luận về việc tăng thêm nguồn thu cho Quỹ Bảo trì đường bộ trong năm 2017 để đáp ứng nhu cầu sửa đường vì hiện nay nguồn thu của quỹ mới chỉ đáp ứng được 48% nhu cầu.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại các công trình hầm và cầu lớn đều có thiết kế các hào kỹ thuật để các nhà cung cấp dịch vụ như điện lực, viễn thông có nhu cầu thì đăng ký lắp đặt để cùng khai thác chung. Khi lắp đặt, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải nộp phí thuê hạ tầng kỹ thuật vào công trình giao thông. Tuy nhiên đến nay chỉ có hầm Hải Vân thu phí sử dụng trong ba năm, được trên 800 triệu đồng, còn lại các công trình khác chưa thu được đồng phí nào.
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, cho biết hiện nay Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ có hai nguồn thu là thu trên đầu xe và nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm. Trong khi đó, theo quy định tại điều 42, Nghị định số 10/2013 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc cho thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ được áp dụng đối với tài sản hạ tầng đường bộ đã được xây dựng gồm bến xe, bãi đỗ xe, nhà hạt quản lý đường bộ, trạm dừng nghỉ; các công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp (điện lực, chiếu sáng, thông tin liên lạc), đường ống (cấp nước, thoát nước, cấp nhiên liệu) và các công trình khác lắp đặt vào đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về hình thức thực hiện, cách tính toán mức giá cho thuê. Vì vậy, đến nay Bộ GTVT hầu như không thu được loại phí này.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng lâu nay các doanh nghiệp vẫn quan niệm đường là của Nhà nước nên ai cũng được phép khai thác mà không phải đóng phí. Song nhìn về lâu dài, việc thu tiền sử dụng hạ tầng đường bộ là đúng vì doanh nghiệp sử dụng hạ tầng đường bộ để kinh doanh thu lợi nhuận, kể cả việc gắn các loại biển quảng cáo. “Mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền để quản lý, bảo trì đường, trong khi nhà cung cấp dịch vụ được hưởng lợi từ các tuyến đường mà không mất tiền là không công bằng”, ông Thanh nói.
Bên cạnh việc thu phí đối với doanh nghiệp điện lực, viễn thông, cấp nước… ông Thanh còn đề xuất thu phí cho thuê hạ tầng giao thông với doanh nghiệp quảng cáo ở cầu vượt, hành lang đường bộ để có thêm kinh phí sửa đường.
Thu phải minh bạch, tránh tăng giá dịch vụ bắt người dân gánh
Khi vấn đề thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ đối với các nhà cung cấp dịch vụ như điện lực, viễn thông, cấp nước… được đưa ra bàn thảo, nhiều ý kiến lo ngại nếu thu thêm phí này các nhà cung cấp sẽ đẩy giá dịch vụ lên, khi đó người dân lại phải gánh thêm loại phí này.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng cần phải xem xét tổng hợp từ nhiều khía cạnh sao cho mức thu hợp lý bởi đây đều là những dịch vụ thiết yếu của người dân. Theo vị chuyên gia này, Bộ GTVT cần ngồi lại với Bộ Tài chính và các bên liên quan để tính toán chuyện này, tránh việc tăng giá dịch vụ quá sức chịu đựng đối với người dân.
Ông Phạm Sanh - một chuyên gia đô thị - cho rằng cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát việc thu - chi loại phí này. Trong đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp để họ không tăng giá dịch vụ rồi bắt người dân đóng phí. Bên cạnh đó, khi thu được loại phí này, cần phải nộp về ngân sách nhà nước, sau đó dựa trên sự phân bổ các dự án rồi mới trích lại để sửa đường. Việc nộp về ngân sách trung ương sẽ tránh được được sự thất thoát, lãng phí.
Theo ông Sanh, hiện việc thu - chi của Quỹ Bảo trì đường bộ cũng chưa minh bạch. Cơ quan quản lý chỉ đưa ra con số chung chung năm nay sửa bao nhiêu tuyến đường hết bao nhiêu tiền mà không công bố sửa những tuyến đường nào, chi phí cụ thể ra làm sao. “Người dân muốn tiếp cận những con số này cũng không có. Kết quả kiểm toán việc thu - chi của Quỹ Bảo trì đường bộ hàng năm cũng không được công bố. Vậy mà trước khi thu, Bộ GTVT đã hứa sẽ minh bạch tất cả việc thu - chi của Quỹ Bảo trì đường bộ”, ông Sanh nói.
Lê Anh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.