Bất động sản đang là một trong những lĩnh vực để rò rỉ thông tin của khách hàng lớn nhất.
Khách hàng đau đầu vì bị bán thông tin
Anh Phạm Văn Hùng, ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) mới đây đã phải tìm đến văn phòng luật sư để tư vấn kiện một doanh nghiệp bất động sản vì đã bán thông tin của mình ra ngoài.
Cụ thể, anh Hùng cho biết, năm 2016 có mua căn hộ tại một dự án trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM do một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM làm chủ đầu tư. Khi mua căn hộ, anh đứng tên vợ mình là chị Nguyễn Thị Thắm, nhưng anh để số điện thoại liên hệ trên hợp đồng mua bán là của mình.
“Tới năm 2017, khi dự án bán hết hàng, các giao dịch chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp, thì các nhân viên kinh doanh của công ty này bắt đầu gọi điện chào tôi bán lại căn hộ của mình. Khi gọi điện, các nhân viên này gọi tên vợ tôi và hỏi có muốn bán lại căn hộ không. Sau đó tiếp tục những doanh nghiệp địa ốc khác, tới phía công ty bảo hiểm, nhà hàng, khách sạn cũng gọi mời tôi dùng sản phẩm của họ, nhưng đều gọi tên vợ tôi. Đây là chứng cứ rõ nhất của việc doanh nghiệp địa ốc kia bán thông tin của tôi ra cho các doanh nghiệp khác”, anh Hùng bức xúc.
Cũng giống anh Hùng, chị Trần Ngọc Hân, ngụ quận 3, TP.HCM cho biết, hiện phải bỏ số điện thoại đã dùng vì một ngày bị quá nhiều nhân viên môi giới gọi mời mua bất động sản.
Chị Hân kể, cuối năm 2017, chị mua một căn hộ tại quận 9. Sau khi làm hợp đồng với đầy đủ thông tin của mình, 1 tháng sau, các doanh nghiệp địa ốc khác, từ đất nền tới chung cư đều gọi mời chị mua sản phẩm mà trước đó chị không hề bị mời như trên. Đặc biệt, các thông tin mà chị đưa ra khi ký hợp đồng mua căn hộ đều được các nhân viên môi giới đọc chính xác như họ tên, địa chỉ nhà…
Giao dịch bất động sản, mọi thông tin cá nhân của khách đều được môi giới nắm bắt
“Một ngày có hàng chục cuộc gọi mời mua đất, mua nhà, mua bảo hiểm… Họ gọi không kể giờ giấc, cả những ngày cuối tuần tôi cũng bị gọi làm phiền. Chính vì vậy, không còn cách nào khác buộc phải chuyển số điện thoại”, chị Hân nói.
Việc bị bán thông tin như anh Hùng, chị Hân không phải là hiếm, mà diễn ra khá phổ biến với các khách hàng đã từng mua sản phẩm bất động sản.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Công ty H.T.L tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, việc khách hàng bị bán thông tin là có thật. Đó là khi khách hàng mua sản phẩm, thông tin cá nhân của khách hàng sẽ được công ty đưa vào danh sách khách hàng của mình, sau đó đẩy lên hệ thống của công ty để nhân viên môi giới chăm sóc khách hàng. Từ đây, các nhân viên có thể lấy danh sách này trao đổi hoặc bán cho các doanh nghiệp môi giới hoặc đồng nghiệp ở doanh nghiệp bạn. Đây chính là nguyên nhân của việc lộ thông tin khách hàng.
Doanh nghiệp cũng bó tay?
Trước câu chuyện bị khách hàng tố bán thông tin khách hàng ra ngoài, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, vị tổng giám đốc doanh nghiệp mà anh Phạm Văn Hùng tố cáo cho biết, chính ông cũng đau đầu về vấn đề này. Ông và ban lãnh đạo công ty đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn tình trạng bán thông tin khách hàng ra ngoài, nhưng không thể kiểm soát được.
Theo vị này, doanh nghiệp ông có khoảng 2.000 nhân viên kinh doanh. Khách hàng mua sản phẩm của công ty sẽ được nhập thông tin lên dữ liệu khách hàng và các nhân viên này sẽ được phân bổ lấy dữ liệu đó để làm danh sách khách hàng thân thiết nhằm chăm sóc và mời khi công ty có dự án mới.
Cũng chính vì số liệu được chia sẻ cho các nhân viên trong công ty, trong khi số nhân viên kinh doanh quá nhiều, nên không thể biết ai là người bán thông tin khách hàng ra ngoài.
“Không để nhân viên có thông tin khách hàng thì không thể chăm sóc khách hàng hoặc mời khách hàng mua dự án mới, bởi ở những khách hàng này có người mua ở thực, nhưng cũng có người là nhà đầu tư. Chính vì vậy, buộc doanh nghiệp phải cho nhân viên sử dụng danh sách khách hàng. Thực sự, doanh nghiệp không bao giờ muốn bán thông tin khách hàng của mình, nhưng vẫn chưa tìm ra biện pháp nào ngăn chặn nhân viên bán thông tin ra ngoài”, vị tổng giám đốc nói.
Về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, khách hàng sẽ nằm ở thế bí, vì dù biết thông tin mình bị chính công ty bất động sản bán ra, nhưng không thể chứng minh rằng họ bán thế nào. Việc thu thấp chứng cứ việc doanh nghiệp bán thông tin của khách là rất khó.
“Tôi đã từng nhận thụ lý 1 vụ kiện như trên, khách hàng kiện doanh nghiệp địa ốc bán thông tin của mình ra ngoài, nhưng khi tìm chứng cứ thì không thể tìm ra. Còn các nhân viên bán thông tin ra ngoài, thường họ sẽ nói thông tin trên do nhân viên có hoặc nghiên cứu thị trường mà ra nên rất khó kiện”, luật sư Phượng nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Hà Đô 756 Sài Gòn cho biết, việc mua bán thông tin khách hàng của ngành bất động sản có từ nhiều năm nay. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc áp lực tìm khách hàng mới của nhân viên môi giới. Để có danh sách khách hàng mới, thì chỉ có một cách là nhân viên phải đi mua hoặc trao đổi với những đồng nghiệp khác. Việc mua cũng không khó và giá danh sách khách hàng được bán ra cũng không cao, chỉ 1 - 2 triệu đồng là có danh sách hàng trăm khách hàng.
Cũng theo ông Tuấn, ngày trước thông tin khách hàng bị bán ra nhiều nhất nằm ở khối ngân hàng, nhưng hiện nay, khối này đã hạn chế được việc bán thông tin khách hàng ra ngoài. Thay vào đó, khối bất động sản hiện đang đứng top đầu trong việc bán thông tin khách hàng ra ngoài.
“Thực chất, việc kiểm soát thông tin khách hàng trong khối bất động sản là rất khó, bởi các nhân viên môi giới hoặc phòng chăm sóc khách hàng qua mặt lãnh đạo công ty, tự ý lấy dữ liệu bán ra ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, khối ngân hàng quản lý và ngăn chặn việc bán thông tin khách hàng ra được, thì khối bất động sản cũng có thể làm được. Chỉ có điều, doanh nghiệp có cương quyết làm hay không và luật cũng cần có sự thay đổi để phù hợp hơn trong việc bảo mật thông tin người dân không bị bán ra ngoài dễ dàng, gây ảnh hưởng tới người dân như hiện nay”, ông Tuấn nói.
-
Nhà đầu tư bất động sản có thực sự hết “sợ” tháng Ngâu?
CafeLand - Tháng Ngâu thường được cho là tháng “nhàn rỗi” của các sàn giao dịch bất động sản vì lượng khách ít, giao dịch sụt giảm, một phần do quan niệm “tháng chết”, “tháng cô hồn” của nhiều người. Mặc dù hai năm trở lại đây, tâm lý “né” tháng Ngâu đã giảm nhiều so với trước, nhưng đâu đó trên thị trường vẫn có một bộ phận khách hàng, thậm chí cả chủ đầu tư vẫn “sợ” phải giao dịch, động thổ, hoặc ra sản phẩm mới trong thời điểm này.