Nhậm chức năm 2011 khi vừa qua ngưỡng 50, ông Nguyễn Văn Bình gây ấn tượng trước công chúng với mái tóc bồng bềnh và nét phong trần trên gương mặt của một người sớm thành danh, kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong ngành.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi mới nhậm chức, vào tháng 8/2011. Ảnh: Nhật Minh
Thị trường ngân hàng lúc ấy giống như một cái chợ, theo cách nói của chính tân Thống đốc. Lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp vay vượt xa 20% và bản thân các ngân hàng có lúc vay mượn của nhau tới 30-40%. Trần lãi suất đặt ra có cũng như không vì niêm yết một đằng, ngân hàng huy động và cho vay một nẻo. Vậy mà Thống đốc hứa trong vòng 2 tháng sẽ đưa lãi suất cho vay về 17-19%. Ông cũng gây sốc cho các cụ hưu trí khi nói lãi suất ngân hàng không thể lúc nào cũng thực dương. Thế nhưng, chính sự tự tin tới mức kiêu bạc lúc đó khiến công việc của Thống đốc Bình sau này đã áp lực lại càng gian nan vì thiếu sự đồng cảm.
Nếu như 4 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, tình trạng loạn lãi suất là thách thức lớn nhất thì bước sang năm thứ hai, Thống đốc nhiều phen bạc tóc vì hoạt động thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng, cùng với nghi án lợi ích nhóm treo lơ lửng trên đầu. Phiên trả lời chất vấn đầu tiên tại Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2012 để lại cho ông nhiều vị chát khi bị quy kết nặng nề vì vụ án Bầu Kiên, chuyện thâu tóm Sacombank.
Năm 2013, trách nhiệm chính trị của cá nhân ông bị gắn với kết quả bình ổn thị trường vàng. Trong khi phải đương đầu với các nhóm lợi ích, chặt đứt các tác nhân đầu cơ, làm giá để thiết lập trật tự trên thị trường, ông lại mất điểm tín nhiệm chỉ vì giá vàng trong nước kéo mãi vẫn cách xa so với giá thế giới.
Tính cả phiên chiều 29/9, Thống đốc đã hai lần trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội và 2 lần đăng đàn trực tiếp tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Kinh nghiệm nghị trường giúp ông từng trải hơn và mượt mà hơn trong cách đối đáp, nhờ vậy mà nhận được nhiều thiện cảm hơn.
“Vấn đề tiền tệ, ngân hàng thời gian qua đã làm Thống đốc bạc tóc rất nhiều. Tôi xin chia sẻ với những khó khăn của ngành ngân hàng và thấy được nỗ lực của Thống đốc giúp ngành ngân hàng thoát hiểm ngoạn mục” - phát biểu của đại biểu Lê Đình Khanh đến từ Hải Dương khiến Thống đốc cười ngại ngần, bất giác đưa tay vuốt mái tóc cắt cao nhưng thưa hơn, sợi bạc nhiều hơn.
Tuy nhiên, không vì thế mà các đại biểu nương nhẹ phần chất vấn của mình.
Thống đốc tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9. Ảnh: Quang Dũng
“Thống đốc có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra sai phạm tại các ngân hàng thương mại và gần đây nhất là Ngân hàng cổ phần Xây dựng? Giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất những sai phạm đó là gì?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đặt vấn đề trực diện với Thống đốc.
“VAMC đã mua 60.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng bán ra nhỏ giọt, mới đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Vướng mắc ở đây là gì? Do năng lực thực hiện hay vướng mắc về cơ chế pháp lý trong mua bán nợ? Xin hỏi lời hứa của Thống đốc trước cử tri cả nước về xử lý nợ xấu thời gian tới là gì?”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Thống đốc cam kết.
“Tín dụng thấp có nguyên nhân quan trọng là sức cầu yếu, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng không kém là ngân hàng dè dặt cho vay. Hiện nay ngân hàng chỉ chăm chăm cho vay đối với doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, có dự án đầu tư hiệu quả còn lại là đầu tư vào trái phiếu chính phủ”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương quy trách nhiệm cho hệ thống ngân hàng.
“Nguyên nhân khiến nền kinh tế hấp thụ vốn ngân hàng không như kỳ vọng là lãi suất vẫn còn cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh hiện nay. Thống đốc có tự tin trong việc kiềm chế lạm phát, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế không?”, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc căn vặn.
Gần 40 câu hỏi đặt ra trong 3 tiếng chất vấn chiều 29/9 lần lượt được Thống đốc trả lời ngọn ngành chi tiết tới từng con số và không né tránh trách nhiệm. Nợ xấu đã được xử lý hơn nửa so với thời điểm bắt đầu, nhưng ông thừa nhận tốc độ xử lý chưa mong muốn. Ông cũng không ngại ngần chỉ ra tình trạng giấu nợ để làm đẹp sổ sách và chia cổ tức. Công ty Quản lý tài sản VAMC chưa trở thành cây đũa thần xử lý nợ xấu, theo Thống đốc là do chưa đủ năng lực tài chính cũng như thiếu hiệu năng pháp lý.
Trách nhiệm xử lý sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng, Thống đốc nhận về cho mình dù đâu đó trong phần giải trình ông nói khéo vụ việc phát sinh trước thời điểm ông nhậm chức. Lần đầu tiên trước công chúng, ông công khai kết quả tái cơ cấu Agribank - ngân hàng bi bét nhất trong nhóm các ông lớn có cổ phần Nhà nước chi phối.
Buổi chất vấn chiều 29/9 được truyền hình trực tiếp và đại biểu Quốc hội ở các địa phường có thể đặt câu hỏi trực tiếp với Thống đốc. Ảnh: Quang Dũng
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt gần 7%, cao hơn tốc độ của cùng kỳ năm ngoái và nhiều khả năng hoàn thành chỉ tiêu 12-14% cho cả năm nay. "Điều quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây GDP tăng 6-7% thì tín dụng tăng trưởng trên 30% thậm chí 50% thì nay tín dụng tăng 10-12%, GDP vẫn đạt tốc độ 5%. Điều đó cho thấy vốn đi vào sản xuất kinh doanh và phát huy hiệu quả", ông nói. Cho biết Chính phủ đã kiểm điểm sâu sắc về sức khoẻ của doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp cận vốn, song ông cho rằng đây là sự đào thải tất yếu trong quá trình tái cơ cấu.
9 tháng qua, cá nhân Thống đốc và hệ thống ngân hàng đã triển khai hơn 100 cuộc tiếp xúc tại các địa phương, qua đó nắm sát những vướng mắc trong thực tế để kịp thời tháo gỡ, cho vay mới hơn 105.000 tỷ đồng trong quá trình tiếp xúc.
"Như vậy, cơ chế chính sách đã có, nhưng nếu không cụ thể, sâu sát như vậy thì đã bỏ qua khả năng cho vay 105.000 tỷ đồng", Thống đốc giãi bày.
Phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Bình được người điều hành phiên họp- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là nắm chắc vấn đề, đi thẳng vào câu hỏi và đưa ra được những giải pháp hợp lý.
Phó chủ tịch cũng yêu cầu người đứng đầu ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh minh bạch hệ thống, giảm thiểu rủi ro và xử lý tình trạng sở hữu chéo. “Cần giám sát chặt việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, không để thôn tính lẫn nhau, sáp nhập theo kiểu cơ học. Không ngừng rà soát, phân loại nợ xấu trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Đặc biệt là hoàn thiện cơ chế cho VAMC, nhất là thủ tục bán nợ”, Phó chủ tịch yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý nếu để nợ xấu tăng thêm trong khi chưa giải quyết nợ cũ thì vòng xoáy sẽ quay trở lại, nên cần thực hiện với tinh thần tích cực nhất. “Bán nợ cho công ty mua bán nợ khá tốt nhưng như vậy là đẩy rủi ro sang cho VAMC, phải giải quyết tốt thật tốt ở khâu này mới mong nâng cao chất lượng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu có giải quyết được hay không”, Chủ tịch phân tích.