Chiều 12/7, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM đã báo cáo kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn.
Theo đó, TP đã hoàn thành chống ngập tại 22 tuyến ngập do mưa, 5 tuyến ngập do triều cường và 151 tuyến hẻm. Đồng thời, các quận huyện đã giải quyết tình trạng ngập úng ở 1.343 tuyến đường, hẻm kết hợp với chỉnh trang đô thị.
Dự án chống ngập, xử lý nước thải 'nằm trên giấy'
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Đô thị HĐND TP, đánh giá cao những nỗ lực của TP đã đầu tư nhiều dự án giúp khu vực nội thành giảm ngập, cải thiện môi trường.
Một số tuyến đường từng là "rốn ngập" như vòng xoay Cây Gõ, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, bến xe Chợ Lớn… đến nay đã hết ngập.
Tuy nhiên, đại biểu này lo lắng mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý nước thải khó hoàn thành do đến nay mới chỉ xây dựng được một nhà máy và 4 nhà máy vẫn đang phải kêu gọi đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến, Phó ban Đô thị HĐND TP. Ảnh: Lê Quân.
Theo ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách, nếu kêu gọi đầu tư khó trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, TP cần đánh giá lại kế hoạch xây hồ điều tiết và nhà máy xử lý nước thải.
Ông cũng đề nghị cần khẩn trương xây dựng nhà máy xử lý bùn thải để tận dụng được nguồn tài nguyên này.
"Chỉ riêng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng mỗi tháng đã thải hơn 1.000 tấn bùn. Thay vì coi đây là nguồn tài nguyên thì hiện nay TP phải tốn tiền vận chuyển, xử lý bùn", ông Bình nói.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra một lượng lớn bùn thải đạt chuẩn về môi trường có thể dùng để san lấp nhưng phải đem đi đổ, trong khi các địa phương khác phải tốn tiền mua bùn đất về san lấp, gây lãng phí ngân sách.
Nhắc đến việc xây hồ điều tiết, đại biểu Lê Minh Đức đặt câu hỏi: "Theo quy hoạch, thành phố có 104 vị trí xây hồ điều tiết, đến nay đã xây dựng được bao nhiêu hồ và khi nào thì xây xong?".
TP.HCM vẫn còn thiếu hơn 100 hồ điều tiết chống ngập. Ảnh: H. B.
Cho rằng việc kêu gọi đầu tư các công trình chống ngập và xử lý nước thải thường rất khó, đại biểu Đức đề nghị TP tới đây phải khơi thông điểm nghẽn này.
TP.HCM cần hơn 96.327 tỷ để chống ngập
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận bài toán chống ngập ở TP rất nan giải, vì phải đối mặt với 2 tổ hợp.
Tổ hợp thứ nhất gồm các yếu tố tự nhiên như mưa lớn, triều cường, xả lũ, sạt lở. Còn tổ hợp xã hội do công tác quản lý nhà nước chưa tốt, nhận thức người dân chưa cao, doanh nghiệp chưa coi trọng khơi thông dòng chảy, thậm chí còn lấp kênh rạch.
Nhìn lại 3 năm thực hiện chương trình chống ngập, ông Hoan nhận định thành phố đã làm được nhiều việc có ý nghĩa lớn, nhưng vẫn còn một số tuyến đường bị ngập.
“Ngập vẫn còn xuất hiện nhưng không ngập dai dẳng, triền miên như những năm trước, các phản ánh của bà con không còn gay gắt như trước nữa”, ông Hoan nói.
Về kế hoạch sắp tới, lãnh đạo TP cho biết sẽ thực hiện 6 giải pháp để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, trong đó bài toán quy hoạch được đặt lên hàng đầu.
Liên quan đến quy hoạch cốt nền, ông Hoan cho rằng phải nương vào tự nhiên để khi xây dựng dự án không ảnh hưởng đến người dân. "Tinh thần chung của thành phố là làm đường để chống ngập, nhưng cũng không được làm ngập nhà dân", ông Hoan nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, riêng với nhiệm vụ chống nhập giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ cần hơn 96.327 tỷ, trong đó ngân sách chỉ đáp ứng hơn 6.356 tỷ (chưa được 10%) nên cần phải huy động các nguồn vốn khác.
Ông nói thành phố sẽ tính đến phương án thanh toán quỹ đất công dọc 2 bờ kênh cho nhà đầu tư để họ giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè, đường giao thông 2 bên.